Sáng 3/2, tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp lần thứ 2 Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Cùng dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ KH&ĐT cho biết, qua 6 tháng triển khai và 2 tháng kể từ phiên họp lần thứ nhất, việc triển khai nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, các Bộ và thành phố đang tích cực, triển khai các nhiệm vụ được giao. Trong đó, đã hoàn thiện và trình Chính phủ một dự thảo nghị định, dự kiến tiếp tục trình hai dự thảo nghị định trong tháng 2/2024.
Riêng TP.HCM đang khẩn trương thực hiện các đề án, nhiệm vụ lớn theo tiến độ. Trong đó, tập trung hoàn thiện đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, siêu cảng Cần Giờ…
“Đề nghị TP.HCM phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tập trung triển khai các chính sách có tính vượt trội, đột phá, huy động nguồn lực để tạo đà cho thành phố phát triển mạnh mẽ”, đại diện Bộ KH&ĐT nêu.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đi thẳng vào các vướng mắc mà thành phố đang gặp trong quá trình triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Cụ thể, thành phố gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù nhưng phải làm theo quy trình, thủ tục hiện hành, một số việc phải thông qua ý kiến các Bộ, ngành Trung ương.
Qua đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị giao cho thành phố được chủ động quyết định về quy trình, thủ tục để việc triển khai được đồng bộ.
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, thành phố cùng các Bộ, ngành đã hết sức nỗ lực, nhưng còn những phần việc làm rất chậm.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, khối lượng công việc của nghị quyết rất lớn và mới, có những vấn đề vượt ra khỏi lằn ranh của hệ thống pháp luật hiện hành. Do vậy, cần có cơ chế, chính sách vượt trội để triển khai.
Nghị quyết 98 mà còn xin ý kiến Bộ, ngành là biểu hiện của cơ chế xin cho
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng cho biết, Chính phủ cùng với TP.HCM đã dày công đề xuất Nghị quyết 98 và được Quốc hội thông qua. “Nghị quyết đã thông qua rồi, việc của chúng ta là tổ chức thế nào cho hiệu quả, đúng tiến độ”, Thủ tướng nêu.
Cũng theo Thủ tướng, trong quá trình triển khai cần xem tình hình có gì mới, vướng thì tiếp tục đề xuất, để Quốc hội xem xét.
Trước đề xuất của TP.HCM, Thủ tướng cho rằng, việc phân cấp, phân quyền mạnh để cho thành phố tăng quyền chủ động là điều cần thiết. Đi kèm với phân cấp, phân quyền thì có công cụ giám sát, thanh tra nên không phải sợ trách nhiệm.
Theo Thủ tướng, thực hiện Nghị quyết 98 mà còn xin ý kiến Bộ, ngành là biểu hiện của cơ chế xin cho.
“Còn cơ chế xin cho nghĩa là còn báo cáo, dễ tạo ra môi trường tiêu cực. Khi có tiêu cực phải xử lý, phải họp hành, báo cáo, giải trình làm mất rất nhiều thời gian”, Thủ tướng lưu ý.
Theo Thủ tướng, phải xóa cơ chế xin cho, để tăng quyền chủ động cho địa phương triển khai công việc.
Về phía các Bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu cần triển khai công việc một cách dứt khoát, không chần chừ. Nhất là trong việc phối hợp triển khai cần đồng bộ, nhuần nhuyễn.
Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ, ngành nào chưa cho ý kiến, hay chưa dứt khoát trong phối hợp thì đơn vị lấy ý kiến cần báo cáo với các Phó Thủ tướng phụ trách, không thể để công việc chậm vì việc phối hợp chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu mỗi thành viên trong Ban Chỉ đạo cần phát huy tinh thần, trách nhiệm cao hơn.
Phát huy tính tự giác, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để tham mưu cho Ban Chỉ đạo sát việc hơn, giải quyết nhanh hơn.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý về dự án siêu cảng Cần Giờ. Theo Thủ tướng, hiện dự án có những vướng mắc, được chuyên gia cũng như người dân nói nhiều.
Đó là, khi triển khai cảng Cần Giờ thì có phải tạo sự cạnh tranh với hệ thống Cảng Cái Mép - Thị Vải hay không.
“Chúng ta có điều kiện để triển khai cảng Cần Giờ, nhưng công tác truyên thông cũng cần đặt lên hàng đầu để nhân dân, chuyên gia và cả quốc tế hiểu chúng ta làm đúng nguyên tắc”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng yêu cầu TPHCM tập trung xây dựng tổng thể đề án “hệ thống đường sắt TP.HCM” để khi triển khai được đồng bộ, đạt mục tiêu có một hệ thống đường sắt hiện đại, chất lượng.
Về việc TP.HCM đề xuất thêm một Phó Chủ tịch phụ trách Nghị quyết 98 (tại phiên họp lần thứ nhất), Thủ tướng cho biết sẽ bàn thêm với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và làm việc với cấp có thẩm quyền về đề xuất này.
“Chọn người phụ trách công việc thì cần người có năng lực, có đam mê công việc và chuyên sâu thì việc triển khai sẽ nhanh hơn”, Thủ tướng khẳng định.