Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua đã cả nước đã nỗ lực này góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 40,84% năm 2015 lên 42,02% vào năm 2022; duy trì, phát triển hơn 14,7 triệu ha rừng, trong đó có 4,6 triệu ha rừng trồng.
Năm 2021, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”. Sau 3 năm thực hiện Đề án, với sự nỗ lực tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đến nay cả nước đã trồng được gần 770 triệu cây, đạt 121% so với kế hoạch; phong trào xã hội hóa trồng cây, trồng rừng ngày càng được các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân quan tâm, ủng hộ.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác phát triển rừng và trồng cây xanh còn gặp một số khó khăn, thách thức.
Vì vậy, Thủ tướng đặt ra hàng loạt yêu cầu nhiệm vụ đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu thực hiện tốt phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.
Cụ thể là xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch trồng cây phân tán, trồng rừng tập trung, phát triển lâm sản ngoài gỗ; nông lâm kết hợp; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nâng cao giá trị đa dụng của rừng ở địa phương.
Việc tổ chức triển khai “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức. Cùng với đó là đẩy mạnh trồng cây xanh lâu năm phân tán ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu văn hóa - lịch sử, hành lang giao thông, kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp...
Ngăn chặn xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng
Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp theo đúng quy định của pháp luật; xác định rõ vai trò của người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm.
Thủ tướng yêu cầu, khẩn trương tổ chức thực hiện và hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo Nghị quyết của Quốc hội; bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thực sự.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật, tình trạng khai thác, vận chuyển tiêu thụ lâm sản bất hợp pháp, tình trạng săn bắt, bẫy, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã.
Cùng với đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt, phá rừng trái pháp luật.
Trong đó, chỉ đạo kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị, chủ rừng; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương làm rẫy; kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm...
Với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu và hồ sơ quản lý rừng...
Đồng thời, huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đầu tư, nguồn vốn xã hội hóa; lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án khác để thực hiện thành công chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050, đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”.