Sáng 13/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri TP Cần Thơ trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ với cử tri một số thông tin cơ bản về kết quả kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm, diễn biến tình hình trong nước, thế giới hiện nay, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri TP Cần Thơ nêu nhiều vấn đề lớn, nóng được nhân dân quan tâm như: tiền lương cơ sở; tình trạng thiếu thuốc; tình hình giá xăng dầu…
Cử tri Lê Thị Nhựt Sinh (quận Ninh Kiều) nêu vấn đề về nâng tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và đề xuất, trong điều kiện hiện nay còn khó khăn, chưa thực hiện được cải cách tiền lương thì phải nâng lương cơ sở.
Trả lời cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tháng 7/2021, đã cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương, nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vì vậy phải tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, nên chưa thực hiện được việc này.
“Tuy nhiên, chúng ta đã thực hiện cho người lao động, doanh nghiệp là 3 năm qua mỗi năm đều có nâng lương. Năm rồi thực hiện nâng lương cơ bản cho đối tượng chính sách.
Vừa qua, Chính phủ đã trình các cấp có thẩm quyền dự kiến sẽ nâng lương cơ bản từ 1,49 triệu đồng lên khoảng 1,8 triệu/tháng, tăng khoảng 20,8%, dự kiến thực hiện vào tháng 7/2023. Đồng thời, nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp”, Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời cử tri.
Trả lời cử tri về tình trạng nhiều dự án được giao nhưng chưa triển khai hoặc chậm đã tồn tại nhiều năm, như: sân bay Long Thành; cao tốc Bắc Nam phía Đông; các dự án giao thông trọng điểm phía Nam và vùng ĐBSCL… gây lãng phí tài nguyên đất đai, khoáng sản, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo.
“Chúng tôi đã họp hai lần rồi, tinh thần là chỉ đạo quyết liệt. Bản thân tôi cũng đã thực hiện nhiều cuộc đi từ Nam chí Bắc đến các địa phương để chỉ đạo việc này. Sân bay Long Thành đã khởi công rồi. Dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành 180km, thông tuyến 181km cao tốc, đồng thời tích cực chuẩn bị khởi công các dự án giai đoạn 2 tuyến cao tốc Bắc - Nam. Tôi đề nghị các địa phương làm tốt công tác giải phóng mặt bằng”, Thủ tướng yêu cầu.
Phản ứng về chính sách chưa kịp thời
Cử tri Nguyễn Ngọc Ẩn (huyện Phong Điền) nêu vấn đề về tình hình xăng dầu. “Hiện nay có một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa tạm thời trong các đợt điều chỉnh tăng, giảm giá xăng dầu, gây xáo trộn đến việc sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ có giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề này trong thời giam sớm nhất nhằm ổn định cuộc sống của người dân”, cử tri Nguyễn Ngọc Ẩn nêu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin tại buổi tiếp xúc cử tri, trong sáng nay tình hình xăng dầu tại TP.HCM, An Giang, Bình Phước và các tỉnh thành để xảy ra tình trạng liên quan đến xăng dầu đã kiểm soát được tình hình.
Theo Thủ tướng, nguyên nhân khách quan xảy ra tình trạng như vừa qua là do đứt gãy chuỗi cung ứng; giá xăng dầu lên xuống nhanh, khó dự báo;… Cạnh đó, do nước ta nhập khẩu thì đồng USD tăng, đồng nội địa giảm xuống nên cũng biến động.
Vẫn theo Thủ tướng, để xảy ra tình trạng xăng dầu như vừa qua chủ yếu là nguyên nhân chủ quan.
Thủ tướng cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà thật kỹ cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với tình hình hiện nay. Công tác điều hành phải linh hoạt, phản ứng chính sách phải nhanh hơn, trách nhiệm các bộ, ngành phối hợp với nhau chặt chẽ, hiệu quả hơn.
“Vừa qua phản ứng chính sách của một số cơ quan có liên quan từ trung ương đến địa phương chưa kịp thời, chưa hiệu quả. Cái này phải kiểm điểm, xác định trách nhiệm, rút kinh nghiệm để chúng ta làm tốt hơn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng cho biết thêm, do giá xăng dầu biến động, lúc nhập giá cao chưa tiêu thụ hết thì giá lại thấp, dẫn đến việc thua lỗ của doanh nghiệp, rất chia sẻ chỗ này.
“Vì thế phải lập quỹ bình ổn giá là vì vậy. Có một chính sách rồi nhưng mà phải điều tiết sao cho kịp thời, phối hợp hai cơ quan là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phải chặt chẽ, phản ứng chính sách kịp thời, một số chính sách khác phải sửa đổi…
Rõ ràng phản ứng chính sách còn chậm và chưa hiệu quả, gây những ách tắc đáng tiếc”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận.
Giải pháp thời gian tới, Thủ tướng cho biết, đã giao cho các bộ, ngành rà soát chi phí, hỗ trợ của ngân hàng cho phù hợp, hiệu quả để tránh lạm phát, đảm bảo được tiêu dùng, cung ứng không bị đứt gãy. UBND các tỉnh, thành và lực lượng chức năng trên địa bàn tạo điều kiện thông quan, lưu thông hàng hóa; nhà máy lọc dầu hỗ trợ giao hàng nhanh...
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, tránh tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu. Công tác thông tin truyền thông khách quan, thực tế, phù hợp với tình hình, làm cho người dân không hoang mang nhưng cũng không chủ quan.
Thủ tướng đánh giá, đây là một sự cố phải nhanh chóng khắc phục, và phải có sự chung tay giúp sức của nhiều cơ quan, có sự hợp tác doanh nghiệp, người dân.
“Một số giải pháp đã có hiệu quả, hy vọng thời gian tới không xảy ra việc tương tự”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Cử tri Ngô Thanh Tiến quan tâm đến vấn đề tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nghiêm trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau đại dịch Covid-19, tình trạng cung ứng thuốc chữa bệnh trên thế giới bị đứt gãy, đây là nguyên nhân khách quan. Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho rằng, có những cơ chế chính sách còn những cái chưa phù hợp; cũng có tình trạng một số cán bộ lại sợ trách nhiệm… nên vừa qua việc này gây bức xúc trong xã hội. Người đứng đầu Chính phủ cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm điểm trách nhiệm và rút kinh nghiệm làm tốt hơn.
“Giải pháp sắp tới, Chính phủ đã chỉ đạo nhiều văn bản về việc này; đồng thời giao cho Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực để tập trung theo dõi, đôn đốc, xử lý. Bộ Y tế đang triển khai khắc phục những tình trạng trên. Rà soát lại các cơ chế chính sách, các văn bản pháp luật để điều chỉnh phù hợp với tình hình, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Bộ Y tế phải phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội rà soát lại các vướng mắt trong các văn bản hiện hành liên quan đến bảo hiểm, cơ chế về giá, mua thuốc, đấu thầu, đấu giá…”, Thủ tướng nêu.