Sáng 20/4, Thủ tướng chủ trì Hội nghị công bố và triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 với chủ đề “Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là quy hoạch lần đầu tiên được xây dựng, vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và được lập cho 10 năm.
Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81 là một bước tiến quan trọng, được đúc kết trong 12 chữ “Tư duy mới-Tầm nhìn mới-Cơ hội mới-Giá trị mới”.
Không chồng lấn, mâu thuẫn
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả QHTTQG, nhất là tập trung nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án quan trọng quốc gia.
Việc này phải đảm bảo các nguyên tắc như tính đồng bộ, liên kết, thống nhất, không chồng lấn, mâu thuẫn giữa các chương trình, dự án của các ngành, các địa phương. Phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn.
Cùng với đó là ưu tiên vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn mang tính liên vùng, liên tỉnh kết nối các vùng động lực quốc gia, các hành lang kinh tế; các công trình có sức lan tỏa cao, giải quyết nhu cầu thiết yếu, các nút thắt của vùng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Khi thực hiện cần phát huy vai trò dẫn dắt của vốn đầu tư công để kích hoạt, huy động, thu hút mọi nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực tư nhân tham gia các công trình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Ngoài ra, cần ưu tiên nguồn lực triển khai các chương trình về giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học có tính liên vùng góp phần giải quyết an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn, tôn tạo và phát triển bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc.
Thủ tướng yêu cầu xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng tăng cường phân cấp huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư ở Trung ương và địa phương; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các vùng động lực, phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên.
Đồng thời ưu đãi, đầu tư và khai thác có hiệu quả các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Cùng với đó xây dựng chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo các ngành ưu tiên gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến, các ngành khoa học nền tảng cho phát triển khoa học, công nghệ; chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành ưu tiên trong các vùng động lực.
Thủ tướng lưu ý xây dựng cơ chế, chính sách về khuyến khích đầu tư giảm phát thải trong các ngành, lĩnh vực, tập trung cho phát triển xanh, bền vững.
Đi cùng đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách về văn hoá đáp ứng yêu cầu phát triển để văn hoá thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội…
Thu hút trí tuệ, nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài
Về thu hút đầu tư phát triển, Thủ tướng lưu ý tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch và hiệu quả.
Đi cùng đó là hoàn thiện khung khổ luật pháp, chính sách phát triển các loại thị trường vốn, nhất là thị trường chứng khoán, thị trường vốn đầu tư mạo hiểm, thị trường bất động sản, huy động nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc đổi mới mạnh mẽ chính sách và cách thức thu hút đầu tư nước ngoài và chuẩn bị đồng bộ các điều kiện như hạ tầng, thể chế, nhân lực... và bố trí không gian phát triển để thu hút nguồn lực, tăng hiệu quả đầu tư nước ngoài phục vụ cho các mục tiêu phát triển.
Đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp lớn có uy tín, năng lực tài chính, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, hệ thống quản lý hiện đại, các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới đầu tư vào các vùng động lực, hình thành những cụm liên kết ngành, tạo sức lan tỏa lớn, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế trong nước.
Về phát triển nguồn nhân lực, Thủ tướng yêu cầu tập trung phát triển nguồn nhân lực bền vững, bảo đảm cân đối tổng thể, hài hòa với định hướng phân bố dân cư; xây dựng chính sách, giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc thu hút và sử dụng hiệu quả trí tuệ, nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là cán bộ khoa học kỹ thuật ở nước ngoài về công tác tại Việt Nam hoặc cộng tác lâu dài với Việt Nam…
Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý đến việc chăm lo công tác an sinh xã hội; khoa học, công nghệ và môi trường. Trong đó ưu tiên triển khai nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mới, tập trung ưu tiên phát triển công nghệ có khả năng ứng dụng cao, nhất là công nghệ số, sinh học, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hoá, điện tử y sinh, năng lượng, môi trường.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý phải giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải...
Yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất, toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến QHTTQG.
Trong đó kịp thời xử lý vấn đề phát sinh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc giám sát, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng về kết quả thực hiện nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương mình…
“Việc làm quy hoạch đã khó, nhưng tổ chức thực hiện còn khó hơn nữa. Việc triển khai và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu của QHTTQG là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, cần quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của các cấp chính quyền”, Thủ tướng nhấn mạnh.