Thách thức và khó khăn luôn nhiều hơn cơ hội
Chiều 5/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên toàn thể tọa đàm cấp cao tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4, tổ chức tại TP.HCM.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng đánh giá các ý kiến trao đổi, chia sẻ của các chuyên gia là chân thành, tin cậy, trách nhiệm và thẳng thắn nhưng có tính xây dựng đối với nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Thủ tướng cho rằng, chủ đề của Diễn đàn lần này là “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập trong tình hình mới” vừa có tính chất cơ bản, lâu dài nhưng vừa có tính thời sự, giải quyết được vấn đề căn cốt, vừa có tính chất tình thế..
Theo Thủ tướng “qua kinh nghiệm 35 năm đổi mới, trải qua nhiều biến cố, đặc biệt là qua 2 năm chống dịch, Việt Nam vẫn giữ được ổn định trong một thế giới đầy biến động, đó là điều quan trọng nhất. Điều đó thể hiện sự tự tin, vừa độc lập tự chủ, vừa chủ động hội nhập sâu rộng, nhưng thực chất và hiệu quả”.
Thủ tướng cho rằng, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng không biệt lập. Muốn xây dựng nền kinh tế theo định hướng đó thì phải dựa trên nền tảng bảo vệ độc lập toàn vẹn lãnh thổ mới phát triển được nền kinh tế tự chủ.
Dù độc lập, tự chủ nhưng Việt Nam luôn thể hiện tinh thần là bạn bè tốt, đối tác tin cậy với thế giới; hợp tác và phát triển với các nước và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng thông tin, khi bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới, đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh; quy mô nền kinh tế lúc ấy chỉ khoảng 40 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người chỉ 100USD/người. Đất nước từ nền kinh tế quy mô nhỏ, làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập, năng lượng thiếu, cung ứng lao động chưa rõ…..
Đến nay, quy mô nền kinh tế khoảng 360 tỷ USD, bình quân đầu người khoảng 3.600 USD…so với cách đây 35 năm là bước tiến rất lớn. Điều đó cho thấy tính đúng đắn trong lựa chọn của chúng ta và là cũng là chủ đề của Diễn đàn ngày hôm nay.
Thủ tướng cũng nhắc nhở, trong xây dựng và phát triển nền kinh tế, luôn xác định thời cơ thuận lợi ít hơn khó khăn và thách thức. Đại dịch vừa qua là một minh chứng cho thấy lúc nào cũng có khó khăn.
“Nhưng chúng ta không lo sợ, không chủ quan, không cầu toàn và không liều lĩnh. Phải luôn trong tâm thế như vậy để chủ động cho những khó khăn và thách thức phía trước”, Thủ tướng nói.
Tư tưởng nhất quán và xuyên suốt
Thủ tướng nhắc lại, trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng độc lập, tự do nhưng mở cửa hợp tác với các nước dân chủ. Và hôm nay, chủ đề của diễn đàn kinh tế cũng thể hiện tư tưởng đó là nhất quán và xuyên suốt.
Theo Thủ tướng, độc lập, tự chủ và chủ động tích cực hội nhập thể hiện sức mạnh ý chí tự lực, tự cường, thể hiện nội lực là cơ bản, là chiến lược lâu dài, nhưng ngoại lực là quan trọng, đột phá và thường xuyên.
Cuối cùng, để thực hiện hóa chủ đề của Diễn đàn kinh tế lần thứ 4, Thủ tướng nêu ra một số giải pháp, cụ thể:
Cần tạo ra môi trường hòa bình, độc lập chủ quyền, giữ ổn định chính trị, an toàn xã hội và nhất là môi trường đầu tư an toàn.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và DN. Triển khai chính sách đối ngoại, tạo thế đan xen lợi ích, góp phần định hình luật chơi quốc tế. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN đồng bộ, linh hoạt. Đa dạng hóa thị trường mạnh mẽ, để có biến động vẫn có chủ động.
Tuân thủ quy luật thị trường nhưng có sự can thiệp của Nhà nước hợp lý theo luật lệ trong và ngoài nước. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát…Quản lý bội chi, nợ công ở mức cho phép.
Cơ cấu lại đầu tư, tập trung cho đầu tư công mà theo Thủ tướng là hiện đang còn manh mún, chia cách…đã làm chậm và kéo dài việc giải ngân đầu tư công.
Cơ cấu lại thị trường tài chính mà trọng tâm là các tổ chức tín dụng, làm cho thị trường phát triển lành mạnh.
Cơ cấu lại DN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và DN Nhà nước. Nhưng Thủ tướng cũng lưu ý không nóng vội khi cổ phần hóa DN Nhà nước.
Theo Thủ tướng, có hiện tượng cổ phần hóa mà cứ xem đất ở đấy bán được hay không là không được. Cổ phần hóa là để DN phát triển, không mất cán bộ, làm cho đời sống người lao động tốt hơn.
Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số…đảm bảo đến năm 2025 đạt 25% tỷ trọng GDP cả nước.
Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tạo môi trường quan hệ bình đẳng trong kinh doanh; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược.
Thúc đẩy hợp tác công-tư, phát triển cộng đồng DN lớn mạnh. Tăng cường gắn kết DN trong và ngoài nước, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phát triển nguồn nhân lực và quản trị quốc gia hiện đại, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng đào tạo đủ khả năng cạnh tranh làm việc trong và ngoài nước.
Nâng cao năng lực phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm tra.
Cuối cùng, Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam chủ trương nhất quán không lựa chọn nền kinh tế đóng mà mở cửa, hội nhập sâu rộng, tự chủ, độc lập nhưng không biệt lập”.
Hồ Văn