Sáng 31/7, phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, những kết quả thời gian qua cho thấy chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính là phù hợp thực tiễn.
Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải rất cao, nỗ lực phải rất lớn
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, sắp xếp đơn vị hành chính là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, thực hiện trong thời gian ngắn, nguồn lực có hạn, tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; tác động đến tư tưởng, tâm lý của Nhân dân, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Do đó, Thủ tướng lưu ý trong quá trình triển khai, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải rất cao, nỗ lực phải rất lớn, hành động phải rất quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, không cầu toàn, không nóng vội, bảo đảm ổn định của hệ thống chính trị, đời sống vật chất và tinh thần của người dân...
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu trước hết là tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân.
Bên cạnh việc phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phải có sự vào cuộc sát sao, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhất là cấp ủy, chính quyền tại các địa phương thực hiện sắp xếp.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, bao trùm, có lộ trình theo từng giai đoạn; mỗi giai đoạn có trọng tâm, trọng điểm, có cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả. Nơi có điều kiện thuận lợi thì làm trước, nơi chưa có điều kiện thuận lợi thì xác định lộ trình phù hợp để thực hiện.
Quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm phù hợp với các quy hoạch (quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn); đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội; tạo không gian phát triển mới, với tư duy mới, tạo giá trị mới.
Việc sắp xếp phải gắn với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền số, xã hội số.
Ngoài thực hiện theo các tiêu chuẩn, điều kiện đã được quy định, việc sắp xếp phải chú trọng cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán...
Quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính phải đồng thời giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2019 - 2021.
Cùng với việc thực hiện chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đối với người dân có liên quan, việc sắp xếp đơn vị hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
Thủ tướng cho biết sau hội nghị này, Chính phủ sẽ thành lập Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Trưởng ban để đôn đốc triển khai công việc, nắm bắt các vướng mắc để giải quyết theo thẩm quyền.
Phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch HĐND và chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 với tinh thần “quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định”.
Quá trình thực hiện phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến nhân dân, hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã giao.
Các bộ, ngành khẩn trương triển khai các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, nhất là ban hành ngay các văn bản hướng dẫn thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Các địa phương xây dựng phương án tổng thể, đề án sắp xếp đơn vị hành chính sớm trình các cấp có thẩm quyền xem xét; tập trung làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở địa phương.
Trong đó, chú trọng phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; bố trí, xử lý trụ sở làm việc và tài sản công; các chế độ, chính sách đặc thù…
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; chú trọng giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa lịch sử, bản sắc của các địa phương, cộng đồng dân cư.
Trong giai đoạn 2019 – 2021, cả nước thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã. Qua đó, giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; giảm được 429 cơ quan ở cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã. Tinh giản biên chế 361 cán bộ, công chức cấp huyện, 6.657 cán bộ, công chức cấp xã; giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng 2.008 tỷ đồng. |