Công điện được ban hành trước các diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 tại TP. Hà Nội và một số địa phương, nguy cơ bùng phát do biến chủng mới Omicron khi dịp Tết Nhâm Dần đang đến gần.
Thủ tướng yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, chủ tịch UBND tỉnh, thành tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch theo đúng các chỉ đạo.
Thủ tướng nhấn mạnh đến biện pháp 5K và đặc biệt là nâng cao ý thức người dân bảo vệ sức khỏe cho chính mình, cho gia đình mình, cho cộng đồng và các biện pháp ứng phó với biến chủng mới Omicron, tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác. Tăng cường việc điều trị tại nhà theo hướng dẫn kỹ lưỡng, chặt chẽ của Bộ Y tế đối với người nhiễm Covid-19 nhẹ và không có triệu chứng.
Ảnh: Thanh Tùng |
Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, chủ tịch UBND tỉnh, thành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thần tốc hơn nữa chiến dịch tiêm chủng vắc xin, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế và mục tiêu của Chính phủ đề ra. Tổ chức các tổ lưu động khẩn trương tiêm vét vắc xin ngay tại nhà cho những người không thể đến nơi tiêm tập trung.
Những địa phương, cơ quan, đơn vị nào không đủ lực lượng để tổ chức khám chữa bệnh Covid-19, tiêm chủng và nhất là lực lượng y tế cơ sở để triển khai tăng cường điều trị tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì báo cáo ngay cho cấp có thẩm quyền để tiến hành điều động lực lượng hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm bảo đảm đủ vắc xin phòng và thuốc cho điều trị Covid-19, tập trung chỉ đạo quyết liệt việc sản xuất, tự chủ vắc xin trong nước nhanh nhất có thể và bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.
Bộ Y tế cũng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể cho UBND, sở y tế tỉnh, thành về việc thần tốc hơn nữa tổ chức tiêm vắc xin và tăng cường điều trị tại nhà. Tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham khảo ý kiến các chuyên gia về việc tiêm vắc xin các mũi tăng cường phòng Covid-19. Quyết liệt hơn nữa trong công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, cá thể hóa trách nhiệm để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm trong phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Y tế chủ trì cùng với Bộ GD&ĐT, các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, trong nước về việc triển khai nhập khẩu, tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi bảo đảm an toàn, kịp thời, khoa học, hiệu quả.
Bộ Y tế trong hôm nay cũng đã có công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin, hoàn thành tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên trong tháng 1/2022.
Không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc xin; sau khi rà soát, khẩn trương tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; bảo đảm an toàn trong tiêm chủng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến chiều 11/1, cả nước đã tiêm hơn 162,2 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 100% và tỉ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 92,6% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, báo chí phản ánh một số việc như: Trạm y tế ở Bình Dương tự ý thu tiền xét nghiệm khi đến tiêm vắc xin (Báo điện tử VietNamNet ngày 4/1); Mệt mỏi vì quy định bán tại chỗ, mua mang về thay đổi liên tục (Tạp chí điện tử Zing news ngày 4/1), người dân phản ánh một số địa phương áp dụng biện pháp quản lý, cách ly chưa phù hợp.
Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương có văn bản chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp.
Thành Nam
Thủ tướng đề nghị WHO hỗ trợ sản xuất, công nhận vắc xin trong nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng nay (11/1) đã có buổi làm việc với ông Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).