Sáng 27/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về tình hình kinh tế tháng 7, 7 tháng đầu năm 2022 và thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết 16 nhóm việc của thành phố.
Sáu đầu việc Thủ tướng giao TP.HCM
Báo cáo tại cuộc làm việc do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trình bày và các ý kiến tại cuộc họp đánh giá, thời gian qua, kinh tế thành phố phục hồi nhanh, khá đồng bộ và tương đối toàn diện. Đồng thời, các đại biểu tập trung thảo luận về một số nhiệm vụ trọng tâm của thành phố từ nay đến cuối năm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, trong thành quả phục hồi kinh tế mà thành phố đạt được nhờ vào việc sớm cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19.
Ông dành lời cảm ơn Thủ tướng, Chính phủ cùng các bộ, ngành và nhân dân cả nước… đã góp phần hỗ trợ TP.HCM. Cùng với đó, ông đề nghị Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, bộ, ngành quan tâm đến các kiến nghị của thành phố, giúp tháo gỡ các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Trung ương với các dự án lớn, tạo tiền đề cho thành phố bứt tốc trong phát triển kinh tế.
Trước đó, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đã kiến nghị lên Thủ tướng 7 nhóm vấn đề các nội dung vướng mắc của TP.HCM thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với các vướng mắc chung liên quan đến cơ chế, chính sách...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết bày tỏ lòng tri ân, biết ơn sâu sắc nhất, gửi lời thăm hỏi ân cần đến các gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn thành phố nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, vất vả, mất mát, hy sinh của TP.HCM, nhân dân thành phố qua hơn 2 năm phòng, chống dịch vừa qua, là một trong những địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất do dịch bệnh trên cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, bước vào năm 2022, thành phố đã nỗ lực để phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững, bù đắp những tổn thất do dịch gây ra, đạt được những kết quả quan trọng.
Các hoạt động văn hóa-xã hội sôi động trở lại; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững....
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nội dung và yêu cầu TP.HCM phải thực hiện trong thời gian tới, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19, chú ý tới diễn biến phức tạp với các biến chủng mới (BA.4, BA.5); tập trung đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin cho các đối tượng theo quy định. Tránh dịch chồng dịch khi nguy cơ sốt xuất huyết và đậu mùa khỉ đang diễn biến phức tạp.
Đẩy mạnh việc đấu thầu trang bị vật tư y tế; khắc phục việc nhân viên y tế nghỉ việc. Theo Thủ tướng, tổng thể nghỉ việc (2%) không lớn, nhưng do trong bối cảnh dịch bệnh thì cũng tạo ra tâm lý không tốt.
Thứ hai, quyết tâm thực hiện đạt và vượt 19 chỉ tiêu KT-XH năm 2022, nhất là chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GRDP.
Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng thực hiện 51 chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố và Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH thành phố. Tập trung giải quyết tồn đọng, vướng mắc với các dự án như Vành đai 3, sân bay, metro...
Phải ổn định kinh tế vĩ mô, với chính sách kiểm soát tài khóa, thuế, nợ công...
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Rà soát tổng thể, bổ sung giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Thứ tư, tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ năm, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng. Tập trung rà soát quy hoạch đô thị. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh cải cách hành chính.
Thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.
Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh việc quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thực hiện tốt chính sách người có công, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm hiệu quả.
Phải xem việc công như việc nhà mình
Trước đó, trong buổi thảo luận giữa các bộ, ngành, Thủ tướng cho biết còn có tình trạng đẩy đưa việc, dẫn đến nhiều vấn đề ách tắc, nhất là vấn đề kiến nghị từ các địa phương, trong đó có TP.HCM.
Thủ tướng nêu rõ, có nhiều việc ông chỉ đạo rất nhiều lần nhưng vẫn trì trệ, có việc đến 6, 7 tháng mới giải quyết xong.
Người đứng đầu Chính phủ phê bình: "Có những việc Bộ trưởng về đẩy xuống cho Thứ trưởng, ông Thứ trưởng đẩy xuống cho trưởng phòng, rồi đẩy xuống cho chuyên viên, nhân viên.... dẫn đến việc giải quyết kéo dài".
“Bộ nào chủ trì vấn đề mà còn ý kiến khác nhau thì mời các bộ trưởng khác ngồi lại với nhau thảo luận để tháo gỡ. Chính phủ phải cởi mở và thẳng thắn. Các bộ, ngành tham gia với nhau phải rất chân thành và xem việc ấy như việc nhà mình”, Thủ tướng chỉ đạo.
Cũng theo Thủ tướng, hiện nay nhiều vướng mắc là vướng ở bộ-ngành, có khi vướng mấy năm trời. Cho nên, đột phá là cải cách hành chính mạnh mẽ hơn.
“Như vấn đề của sân bay Tân Sơn Nhất, nếu để các bộ, ngành thì còn lâu, Chính phủ phải tổ chức 3 cuộc họp, Thường trực Chính phủ chỉ đạo quyết liệt mới ra việc”, Thủ tướng nêu ví dụ.
Thủ tướng cũng cho biết, cơ bản đồng ý với các kiến nghị của TP.HCM và yêu cầu các bộ, ngành sớm xem xét các kiến nghị đó để triển khai, thực hiện.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng chỉ đạo thành phố phối hợp với các bộ-ngành sớm hoàn thành tiến độ tuyến metro 1, đẩy nhanh triển khai tuyến số 2, dự án Vành đai 3, Vành đai 4…
Trước buổi làm việc trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã khảo sát 2 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại TP.HCM là dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên và dự án xây dựng nút giao thông An Phú, thành phố Thủ Đức.