Lời toà soạn: Luôn khao khát được lan tỏa giá trị của sách cũng như giúp đỡ mọi người xây dựng thói quen đọc lành mạnh, Nguyễn Quốc Vương còn là tác giả, dịch giả của nhiều tác phẩm hướng dẫn đọc sách, xây dựng tủ sách, so sánh giáo dục Việt Nam - Nhật Bản...
Trao đổi với VietNamNet vào quãng nghỉ trong chuỗi ngày bận rộn đi nói chuyện nhân Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam (21/4) lần hai, Nguyễn Quốc Vương đã đề cập tới những việc cần làm để phát triển văn hoá đọc bền vững.
Người không coi trọng việc đọc là thiếu tầm nhìn
Phóng viên: Đọc sách vẫn chưa trở thành thói quen hàng ngày với khá đông người Việt. Trong những chuyến đi nói chuyện nhằm lan tỏa văn hóa đọc ở các địa phương, có khi nào anh gặp phải phản hồi tiêu cực như: "Ăn còn chưa đủ lấy tiền đâu mua sách", "Đủ nỗi lo trong cuộc sống rồi làm gì có thời gian đọc", "Sách có mài ra mà ăn được đâu?"… Anh sẽ ứng xử thế nào?
Diễn giả Nguyễn Quốc Vương: Chuyện người khác có phản ứng tiêu cực là rất thường - có thể là phụ huynh, cán bộ văn hóa, thậm chí là hiệu trưởng, giáo viên. Cho dù không đồng ý nhưng tôi rất thông cảm tại sao họ nghĩ như thế. Họ cũng là “nạn nhân” khi không được trải nghiệm cuộc sống gắn liền với sách. Nhiều người đã sinh ra, lớn lên, học đại học rồi đi làm mà không hề đọc sách. Nhiều người tốt nghiệp đại học nhưng cũng không đọc gì ngoài sách giáo khoa, giáo trình để… thi và lấy bằng.
Thay vì tranh luận, tôi để tâm vào việc diễn thuyết, dịch, viết sách và hỗ trợ trẻ em, học sinh, thanh niên đọc sách. Cho dù bảo thủ, thiếu hiểu biết, họ cũng vẫn là những người yêu thương con em mình, người thân của mình và đặc biệt là quan tâm tới lợi ích của chính họ. Một khi thấy được đọc sách đem lại niềm vui, lợi ích cho tất cả mọi người, họ sẽ thay đổi quan điểm và cùng tham gia khuyến đọc. Tôi đã chứng kiến rất nhiều người thay đổi như thế.
Phóng viên: Từng dạy học phổ thông, giờ lại đi đến các trường nói chuyện khuyến đọc, anh thấy gì sau mấy năm đi vào hành trình "đọc sách, con đường gian nan vạn dặm"?
Diễn giả Nguyễn Quốc Vương: Đến nhiều nơi thì sẽ thấy các trường có những đặc điểm chung của giáo dục cả nước, nhưng ở mỗi địa phương lại có những đặc thù.
Khó tưởng tượng, có những ngôi trường ở chính Thủ đô, nhưng thư viện trong trường không hề có sách phù hợp với trẻ em, học sinh. Hoặc có ngôi trường đẹp, danh tiếng, khi tôi đến nói chuyện khuyến đọc chỉ có 50 - 60 em tham gia cùng 2 giáo viên; mà một giáo viên đến để động viên vì con ông là chủ nhiệm câu lạc bộ đọc sách của trường; giáo viên còn lại người mời tôi đến nói chuyện.
Người thầy đến nghe để ủng hộ con; đến cuối buổi đã chia sẻ với tôi rằng anh cũng giật mình nhìn lại ,vì thấy đúng là giáo viên chưa quan tâm đến việc đọc sách cho lắm.
Còn đến trường ở nông thôn, học sinh hỏi những câu bất ngờ như: "Làm thế nào để bố mẹ em đọc sách?", "Làm thế nào để bố mẹ bỏ điện thoại xuống?",v.v... Có những ngôi trường có thư viện nhưng không thủ thư, không có cuốn sách hay hoạt động đọc sách nào.
Ngược lại, nơi tôi cảm nhận được tinh thần tích cực là những địa phương có các nhà quản lý giáo dục thực sự hiểu và quan tâm tới việc đọc sách của trẻ em.
Phóng viên: Bạn bè tôi cũng từng tham gia xây dựng tủ sách cho quê hương, tài trợ nhiệt tình, tham gia tâm huyết; nhưng bây giờ bớt thiết tha đi, vì những tủ sách cứ ở yên đó...
Diễn giả Nguyễn Quốc Vương: Sự ham mê và quan tâm của nhà quản lý sẽ ảnh hưởng tới cấp dưới. Nhà tài trợ tặng sách hoặc tủ sách không phải vấn đề gì quá lớn. Nhưng hiệu trưởng không nhận thức được vai trò của việc đọc trong giáo dục thì trường sẽ không có tủ sách, thư viện đúng nghĩa.
Tôi đến Yên Mô (Ninh Bình), gặp thầy Bùi Văn Đông, vốn là phó phòng giáo dục. Thầy Đông thấy khuyến đọc là quan trọng nên nhận trách nhiệm, mở thư viện vào cuối tuần ở nhà mình; thầy cô rồi học sinh, phụ huynh đến đọc. Không những thế, còn đưa hoạt động đọc sách vào chương trình ngoại khoá.
Các cơ sở muốn làm được phải tác động đa chiều. Nhà nước đã có Ngày Sách và Văn hoá đọc; ngành giáo dục có thể đưa vào tiêu chuẩn thi đua như thư viện hoạt động hiệu quả; tổ chức được hoạt động khuyến đọc thực chất...
Còn tích cực và bền bỉ hơn là có các chương trình bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý đào tạo, của thầy cô về khuyến đọc, công tác thư viện,v.v...
Phóng viên: Cái gì cũng đưa vào trường học, rồi tập huấn, nhà trường bị quá tải bởi phong trào, hội hè hình thức....
Diễn giả Nguyễn Quốc Vương: Có một thực tế, trường học nhiều chỗ giờ không phải nơi giáo dục, mà dần dần biến thành trung tâm luyện thi. Trong các hoạt động giáo dục, có hoạt động học để thi; nhưng những cái khác phải "hi sinh" cho mục đích này.
Muốn nhà trường là không gian của các hoạt động giáo dục thể chất, nghệ thuật, đọc sách thì chương trình phải phân bổ cho hợp lí, giúp học sinh phát triển toàn diện, trong đó khuyến đọc phải là hoạt động nền tảng.
Chẳng hạn luyện thi, phải hướng vào phát triển trí tuệ học sinh, lấy việc đọc, thư viện làm tâm điểm, chứ không phải luyện đi luyện lại kiến thức trong sách giáo khoa.
Nước ngoài nói thư viện là trái tim của trường học, nghĩa là mọi hoạt động phải xuất phát và lấy thư viện làm tâm điểm. Ví dụ, để thi chuyên đề hay làm nghiên cứu, không phải lên mạng copy chỉnh sửa, mà có lên thư viện nghiên cứu, trao đổi. Học sinh cần sử dụng tài liệu sách vở ở thư viện để tìm câu trả lời cho sản phẩm của mình.
Một đứa trẻ có nền tảng đọc tốt thì thi cử kiểu gì cũng tốt hơn không đọc. Người không coi trọng việc đọc là thiếu tầm nhìn, chứ không phải việc đọc không đem lại lợi ích gì cho người đọc.
Phóng viên: Anh nói ở nước ngoài thư viện là trái tim của trường học. Vậy ở ta, thư viện là gì?
Diễn giả Nguyễn Quốc Vương: Về phổ biến, thư viện đang là phần thừa, phần phụ của trường học. Nơi đẹp đẽ, trung tâm nhất lẽ ra phải là thư viện. Nhưng ngoài một số trường mới thiết kế, xây dựng, còn lại thư viện thường là ở một gốc trên cầu thang tầng trên cùng, ở phòng phụ, phòng thừa sau khi đã sử dụng hết các phòng chức năng. Thư viện không phải nơi thường xuyên qua lại.
Phóng viên: Vậy ở những nơi xa trung tâm, xa thư viện thì gieo trồng hạt giống văn hoá đọc thế nào?
Diễn giả Nguyễn Quốc Vương: Có thể huy động một nguồn lực rất tốt ở địa phương làm khuyến đọc là giáo chức về hưu, cán bộ hưu trí. Khuyến học và khuyến đọc nên lồng vào nhau, trong hội khuyến học có ban khuyến đọc.
Ngoài hoạt động truyền thống như tặng thưởng các con em có thành tích học tập tốt, hội khuyến học nên tổ chức các hoạt động thường xuyên, nhất là xây dựng thư viện, thh hút trẻ em đến đọc sách.
Đi nhiều nơi, tôi thấy có 2 nơi làm được công tác khuyến đọc tốt, là do chính quyền cấp làng điều hành. Ví dụ, thư viện thôn Gia Thượng ở huyện Gia Viễn (Ninh Bình) có 8 hay 9 cụ về hưu, và mô hình thứ hai ở làng Đại Mão (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Các cụ có học thức, trải nghiệm nên làm bài bản, có chương trình hành động phát triển sách mới, hội viên mới.
Đọc sách để giảm bắt nạt học đường
Phóng viên: Bên cạnh việc ít đọc, không đọc, lại có thông tin thừa, sách thừa, truyền thông rộn ràng. Bơi thế nào trong bể sách hay dở lẫn lộn?
Diễn giả Nguyễn Quốc Vương: Một tình trạng đáng lo ngại: Các trường công thư viện đã ít sách, nhưng có cuốn sách khi lật lên những người làm sách như chúng tôi phiền lòng. Chẳng hạn những kiểu sách như lễ lạt, kỷ niệm, vì dự án, vì ngoại giao...đưa vào. Hay sách sưu tầm biên soạn mà không được thẩm định kỹ, nhưng được bán vì chiết khấu cao.
Ở Nhật Bản, có những cơ quan chuyên môn như hiệp hội, thư viện toàn quốc, hiệp hội thư viện trường học... định kì đưa ra danh sách những cuốn sách nên đọc. Ngoài ra, có hệ thống thống kê theo tuần tháng năm sách bán chạy. Ở ta, cũng có danh sách kiểu đó, nhưng thường là từ các nhà sách, hoặc các hệ thống phát hành.
Tôi thấy anh viết phát triển văn hóa đọc trong nhà trường chính là một cách làm hiệu quả để chống bắt nạt học đường? Điều này có phi thực tế không?
Phong trào "10 phút đọc sách buổi sáng" ở nước Nhật bắt nguồn từ chuyện một thầy giáo dạy ở trường nữ sinh khi đi xem lớp học, phát hiện trên mặt bàn có dòng chữ "Mày chết đi".
Đau khổ khi nhìn thấy dòng chữ đó, ông suy nghĩ có thể làm gì để giúp học sinh. Khi đọc một tạp chí giáo dục của Mĩ, thấy bài nghiên cứu về phong trào đọc sách buổi sáng, đầu ông lóe lên ý tưởng. Nhưng khi đưa ra hội đồng nhà trường thì không ai ủng hộ. Lớp ông thực hiện kết quả không tốt lắm. Nhưng may thay, một nữ giáo viên khác cùng trường đã đồng cảm, ủng hộ và thực thi ý tưởng này. Kết quả rất tốt. Sau đó toàn trường thực hiện. Dần dần, lan ra toàn quốc.
Kết quả hiện nay có trên 90% các trường tiểu học thực hiện. Ở THCS khoảng trên 70%, ở THPT là khoảng 40-50%.
Ở ngôi trường nữ sinh kia, giờ đây có tấm biển gắn dòng chữ "Nơi phát tích phong trào 10 phút đọc sách buổi sáng". Sự vĩ đại thường sinh ra và bắt nguồn từ những điều giản dị như vậy.
Muốn chống bắt nạt học đường phải chú trọng vào văn hóa và cải cách hành chính giáo dục để trường học trở nên dễ thở. Học kiểu ôn thi nhiều trong khi văn hóa, thể thao, vui chơi và hoạt động tự chủ thiếu là những yếu tố góp phần làm cho bạo lực gia tăng.
Trẻ em bây giờ dễ bị căng thẳng và ức chế nhưng lại không có người hướng dẫn và môi trường thuận lợi để hóa giải căng thẳng đó. Căng thẳng tích tụ rất dễ biến thành hành vi bạo lực. Trong lịch sử con người để hóa giải căng thẳng không gì hơn ngoài nghệ thuật, văn chương, hoạt động xã hội và suy ngẫm.
Hiện trạng "lười đọc" thôi thúc tôi hành động Phóng viên: Điều gì thôi thúc anh miệt mài trên hành trình khuyến đọc? Nguyễn Quốc Vương: Có rất nhiều điều. Thứ nhất là tình yêu, kỷ niệm với sách từ hồi còn nhỏ. Bố tôi đã có thư viện gia đình cho các con đọc từ rất sớm (những năm 1980). Thứ hai là vốn hiểu biết về giáo dục khi học cao học và sống tại Nhật Bản. Thứ ba là mong muốn “mình phải làm điều gì đó” khi chứng kiến hiện trạng “lười đọc” ở Việt Nam. Cuối cùng là ảnh hưởng từ hoạt động khuyến đọc của những người tiên phong như anh Nguyễn Quang Thạch - sáng lập “Sách hóa nông thôn”. Trong những chuyến đi “bán sách rong” của mình, có câu chuyện nào ấn tượng; tiếp thêm niềm tin cho anh trong hành trình lan tỏa thói quen đọc sách với mọi người - mọi tầng lớp trên khắp vùng miền cả nước? Có rất nhiều câu chuyện cảm động. Ví dụ gần đây nhất là khi tôi nói chuyện ở một trại giam với 800 phạm nhân nữ. Cuối buổi giao lưu, một nữ phạm nhân can đảm đề nghị tôi tặng cho chị một cuốn sách. Chị muốn có thêm động lực để sống, để vươn lên hoàn cảnh vì bên ngoài chị còn có hai đứa con… Những giọt nước mắt của chị khi nhận sách khiến những người làm khuyến đọc như tôi cảm thấy rất xúc động. |
Vũ Thuỷ - Hạ Anh (Thực hiện)
Ảnh: Lê Anh Dũng