Ông Lê Đình Sâm là cán bộ công tác trong ngành y tế ở tỉnh Thanh Hoá 40 năm, khi nghỉ hưu ngoài việc được hưởng mức lương hưu tối đa 75% (tương đương với 35 năm đóng BHXH), ông được nhận thêm khoản trợ cấp mỗi năm đóng thừa nửa tháng lương. Như vậy với 5 năm đóng BHXH thừa so với quy định, ông Sâm được nhận trợ cấp một lần bằng 2,5 tháng lương theo quy định.
Ông Sâm cho rằng, mức trợ cấp mỗi năm đóng thừa BHXH hưởng lương hưu tối đa chỉ được nhận nửa tháng lương là quá thấp. Cách tính này thiệt thòi cho người lao động và không khuyến khích được người lao động tiếp tục tham gia công việc khi đủ thời gian hưởng lương hưu tối đa.
Theo Luật BHXH hiện nay, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Lao động nam đóng BHXH 35 năm sẽ đạt được mức lương hưu tối đa, lao động nữ thì cần 30 năm. Sau khi đạt mức hưởng lương hưu tối đa, thời gian đóng BHXH sau đó không được tính để tăng tỷ lệ hưởng lương hưu.
Với thời gian tham gia BHXH vượt mức hưởng lương hưu tối đa, người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp một lần này được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%. Cứ mỗi năm đóng BHXH cao hơn thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Đại diện các liên đoàn lao động cho rằng, mức trợ cấp một lần như trên quá thấp, khiến người lao động thiệt thòi và không khuyến khích họ tham gia BHXH khi đã đủ năm để hưởng lương hưu tối đa.
Đề xuất tăng mức trợ cấp
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi mới đây đề xuất điều chỉnh quy định về mức trợ cấp một lần khi người lao động dư năm đóng BHXH tại Điều 75. Theo đó, dự thảo nêu 2 phương án.
Phương án 1 giữ nguyên mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu là 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH như Luật BHXH 2014.
Phương án 2 cũng giữ nguyên mức trợ cấp một lần là 0,5 tháng. Tuy nhiên, phương án này bổ sung thêm trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu mà tiếp tục đóng BHXH. Với trường hợp này, mỗi năm đóng BHXH sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Góp ý về đề xuất này, trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng cơ quan soạn thảo cần phải cân nhắc, tính toán kỹ để tăng mức chi trả cho mỗi năm đóng thừa BHXH hưởng mức lương tối đa lên 1,5 hoặc 2 tháng lương, đảm bảo công bằng cho người lao động.
Một cán bộ BHXH Hà Nội cho biết, đối với những trường hợp người lao động đóng thừa BHXH hưởng lương hưu tối đa, đơn vị đang đề xuất nên chi trả như người lao động rút BHXH một lần, tức là mỗi năm đóng thừa phải được 2 tháng lương. Có như vậy mới khuyến khích được người lao động đủ điều kiện tiếp tục tham gia đóng BHXH.