Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là văn bản vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính kế hoạch hành động để các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp làm căn cứ triển khai chuyển đổi số trong hoạt động ở cơ quan, đơn vị mình.

Tại Kon Tum, công tác chuyển đổi số đang được đẩy mạnh trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Đặc biệt, đã xuất hiện một số đơn vị tiên phong triển khai chuyển đổi số giúp tạo ra những thay đổi đáng kể trong tổ chức bộ máy cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sử dụng công nghệ số thay vì tiền mặt để chi trả các dịch vụ ở Kon Tum.

Trước đây, mỗi lần đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, chị Y Muôn ở xã La Dom phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế để thực hiện các thủ tục hành chính. Nhưng giờ đây sau khi cài đặt ứng dụng VssID – bảo hiểm xã hội số trên điện thoại di động, chị không phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế giấy khi đi khám. 

Được yêu cầu xác nhận thời gian tham gia bảo hiểm y tế để làm căn cứ hưởng chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, chỉ một vài thao tác đơn giản, chị Lê Thị Vinh ở xã La Tơi đã có thể tra cứu và xác nhận các thông tin về quá trình tham gia của bản thân nhờ cài đặt ứng dụng VssID. Chị Vinh cũng dễ dàng kiểm tra, đối chiếu, theo dõi quá trình công ty đóng tiền bảo hiểm cho mình, đồng thời nắm bắt được thông tin hưởng chế độ thai sản, ốm đau cũng như  lịch sử khám chữa bệnh của bản thân lâu nay.

Đây là những tiện ích về chuyển đổi số mà ngành y tế tỉnh Kon Tum đã triển khai thời gian qua để phục vụ chuyên môn và người bệnh. Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của ngành nói chung, công tác khám chữa bệnh nói riêng.

Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh công lập thuộc Sở Y tế Kon Tum đã triển khai hệ thống thông tin khám chữa bệnh, quản lý bệnh viện và kết nối liên thông với cơ quan bảo hiểm xã hội và cổng dữ liệu của Bộ Y Tế.

Ngành y tế đã ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như các phần mềm khai báo y tế, quản lý thông tin tiêm vắc xin Covid-19. Thực hiện kết nối, liên thông các cơ sở kinh doanh, cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh với Cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Phối hợp với các bệnh viện tuyến trên triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hội chẩn trực tuyến.

Đặc biệt, các cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng ứng dụng VssID – bảo hiểm xã hội số trên điện thoại thông minh hoặc thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân để thay thế cho thẻ bảo hiểm xã hội trong khám chữa bệnh.

Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính theo chỉ đạo của tỉnh, tháng 11/2018, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum đã chính thức đưa vào hoạt động mô hình một cửa, một điểm dừng. Kể từ khi triển khai, bộ phận này đã giúp người lao động thuận tiên, nhanh chóng tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm của trung tâm, rút ngắn thời gian đi lại, góp phần nâng cao hiệu suất giải quyết thủ tục hồ sơ tại trung tâm. Qua 5 năm, Bộ phận một cửa tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum tiếp tục phát huy hiệu quả khi đẩy mạnh số hóa dữ liệu và tập trung vào chuyển đổi số.

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm cho hay, chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh là một nội dung rất quan trọng, cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của đội ngũ nhân viên. Bên cạnh đó, giúp trung tâm phục vụ tốt nhất cho người lao động và doanh nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ công thuộc chức năng nhiệm vụ của mình. Giúp người lao động tiếp cận các gói dịch vụ việc làm nhanh, hiệu quả đồng thời giúp doanh nghiệp và người lao động kết nối với nhau dễ dàng hơn.

Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nông nghiệp là một trong tám lĩnh vực, ngành nghề được ưu tiên triển khai chuyển đổi số. Trước đây, ngành nông nghiệp thường có sự thay đổi mạnh khi có cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, song hiện nay, việc áp dụng những thành tựu tiên tiến của công nghệ 4.0 trong thời đại số tiếp tục giúp ngành nông nghiệp phát triển.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Kon Tum

Kon Tum là một tỉnh miền núi, thu nhập chủ yếu của người dân dựa vào sản xuất nông nghiệp và nông lâm nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Việc thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị các mặt hàng nông nghiệp có ý nghĩa vô cùng lớn.

Tại xã Đăk Ngọc, huyện Đăk Hà, ứng dụng phun thuốc bảo vệ thực vật bằng hệ thống máy bay không người lái được nông dân sử dụng ngày càng phổ biến. Phương thức này được áp dụng trên diện tích cây lúa, cà phê và các loại cây ăn quả. So với cách phun thủ công, công nghệ này đã tích hợp nhiều chức năng hiện đại như hệ thống định vị giúp máy bay có thể bay tự động, lập bản đồ khu vực cần phun, kiểm soát khu vực cần phun theo lập trình định sẵn.

Anh Vi Văn Mới ở xã Đăk Ngọc, huyện Đăk Hà cho hay, nhờ ứng dụng các công nghệ mới mà nông dân vừa bảo vệ sức khỏe, vừa nắm được các thông tin về giá cả, giá phân bón… để áp dụng vào công việc.

Với mong muốn hoàn thiện một quy trình chuẩn về sản xuất rau hữu cơ, một nhóm những người trẻ có chuyên môn về lĩnh vực nông nghiệp cũng đã kết nối và sáng tạo nên một phần mềm kỹ thuật số phục vụ hiệu quả cho hoạt động quản lý và chăm sóc các loại rau. Cũng từ đây, Hợp tác xã rau hoa và du lịch Thanh Niên được thành lập ở thị trấn Măng Đen.

Chính thức triển khai từ năm 2018, phần mềm ứng dụng quản lý và ghi chép nhật ký ruộng ban đầu đơn thuần là một ứng dụng hỗ trợ các quản trị viên của hợp tác xã dễ dàng quán xuyến công việc. Thông qua ứng dụng, các thành viên dễ dàng phân công, lên kế hoạch nhiệm vụ cho từng công nhân.

Nhận thấy những tài nguyên lớn hơn khi áp dụng chuyển đổi số, những chiếc điện thoại thông minh đã được ban giám đốc hợp tác xã trang bị và cài đặt phần mềm. Dựa vào đó, các quy trình sản xuất, lên luống, số lượng tưới nước, bón phân, diệt sâu bệnh, sản lượng… cũng tính toán được.

Tính riêng năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Kon Tum đạt 17,16% so với tổng giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản; triển khai ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong công tác quản lý bảo vệ rừng; đã thành lập và đưa vào hoạt động 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen; một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn lại đang hoàn thiện hồ sơ hình thành.

Có thể nói, để chuyển đổi số hiệu quả cần nhiều yếu tố như hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ, tính chuyên nghiệp, sự hợp tác và năng lực tiếp cận công nghệ số của người dân. Do vậy, tỉnh Kon Tum đang tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp bằng nhiều giải pháp trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của mình.

Thanh Minh