Thông điệp trên được đưa ra tại lễ khai mạc “Tuần lễ Chuyển đổi số TPHCM” vào sáng 22/10, nhân dịp hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM cho biết, chương trình “Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh” xác định mục tiêu đến năm 2025, thành phố thuộc 5 địa phương đứng đầu về Chính phủ điện tử, kinh tế số chiếm 25% GRDP; đến năm 2030, TPHCM sẽ hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, dữ liệu được chia sẻ rộng khắp toàn xã hội.
Từ năm 2020 đến nay, TPHCM đã tập trung hoàn thành nhiều nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số trọng tâm: đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức; phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số dùng chung với quy mô toàn thành phố đảm bảo an toàn an ninh thông tin; thúc đẩy phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực trọng tâm như thương mại điện tử, giao thông vận tải, logistic, tài chính - ngân hàng, năng lượng, du lịch.
Theo ông Lâm Đình Thắng, TPHCM đặt mục tiêu sẽ đưa toàn bộ nền hành chính vận hành trên các nền tảng số trong năm 2025, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện về chính quyền số, làm cơ sở bền vững thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và phát triển đô thị thông minh.
Để thực hiện mục tiêu đó, trong thời gian tới TPHCM sẽ phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải luôn song hành với chuyển đổi xanh, phát triển công nghiệp xanh gắn liền với công nghiệp số.
Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng số nhằm tạo ra không gian phát triển mới. Hạ tầng số phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số thành phố, phát triển kinh tế số, xã hội hội số.
Kiên trì xây dựng và phát triển nền tảng số là hạ tầng mới trên không gian mạng nhằm giải quyết nhanh các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của toàn thành phố.
Kinh tế số đóng vai trò ngày càng quan trọng, là động lực chính để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững của thành phố.
TPHCM vận dụng tối đa thẩm quyền để xây dựng chính sách cho chuyển đổi số, hoạt động trên môi trường số có tính tiên phong nhằm kiến tạo phát triển kinh tế số và xã hội số, đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Đồng thời xác định quản trị số dựa trên công nghệ số và dữ liệu số là nền tảng để quản trị thành phố trong giai đoạn 2026 – 2030, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý, góp phần quan trọng vào chủ trương hiện đại hoá quản trị quốc gia.
Vận dụng các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển nhanh nguồn nhân lực số nhằm thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững. Xây dựng chính sách thu hút hiệu quả các nhà đầu tư tham gia các lĩnh vực có tính chiến lược như phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số nhất là công nghiệp bán dẫn; phát triển các khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung, trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây ….
Phát triển xã hội số, phổ cập kỹ năng số để người dân được tiếp cận kiến thức, trang bị khả năng để tham gia tích cực và thụ hưởng bình đẳng các thành quả trong quá trình chuyển đổi số, chung tay xây dựng một xã hội số bao trùm và toàn diện.
Cũng tại sự kiện, bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM đã trình bày giải pháp thực thi hiệu quả kiến trúc chính quyền số tại TPHCM. Theo đó, việc triển khai các nền tảng số và kho dữ liệu dùng chung là vấn đề trọng yếu của chuyển đổi số thành phố.
Để tổ chức triển khai kiến trúc chính quyền số hiệu quả, Sở TT&TT TPHCM sẽ tiến hành quản trị kiến trúc, đôn đốc, theo dõi giám sát việc thực thi và tuân thủ kiến trúc của các đơn vị.
Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM sẽ triển khai các nền tảng số dùng chung, đảm bảo vận hành hạ tầng CNTT, an toàn thông tin và sẽ hỗ trợ các đơn vị kết nối vào các hệ thống của thành phố, Bộ, ngành.