Đến công tác tại Hà Nội hôm nay, ông Nick Bridge chia sẻ, người Việt Nam rất quan tâm đến tác động của biến đổi khí hậu, ví dụ như tần suất ngày càng cao của mưa lũ và thiệt hại liên quan, ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế và tài sản của người dân.
Ông Nick Bridge, Đặc phái viên về Biến đổi Khí hậu của Chính phủ Anh |
Ông muốn chia sẻ kinh nghiệm của Anh trong việc hướng tới nền kinh tế các-bon thấp, mong muốn bàn về những sáng kiến mà hai nước có thể cùng chung tay thúc đẩy quá trình chuyển đổi này.
“Chúng tôi nhận thấy rằng giảm phát thải không chỉ là phù hợp với tăng trưởng kinh tế, mà thật ra lại là một động lực thúc đẩy lớn cho nền kinh tế. Ở Anh, ước tính lĩnh vực các-bon thấp tăng trưởng nhanh gấp bốn lần so với các lĩnh vực khác của nền kinh tế cho đến năm 2030”, Đặc phái viên Nick Bridge cho biết.
Theo ông, Việt Nam nắm bắt được tiềm năng to lớn của mình về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời (nhiều hơn của Vương quốc Anh), gió và biomass. Tuy nhiên, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ 6,5% cho đến năm 2020 và 11% cho đến năm 2030.
Năng lượng tái tạo có thể giúp Việt Nam đạt hiệu quả cao nhất về mặt chi phí, năng lượng sạch giúp cân bằng nhu cầu năng lượng không ngừng tăng cao song song với việc cần phải giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời tạo cơ hội cho nền kinh tế và cho tăng trưởng.
Ông Nick Bridge cho rằng, để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam cần đảm bảo hợp đồng mua bán điện khả thi, có cơ chế pháp lý tốt để phát triển thị trường và hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và tạo điều kiện cho khối tư nhân tiếp cận các sản phẩm tài chính hỗn hợp. Và Vương quốc Anh có thể hỗ trợ chuyên môn trên kinh nghiệm đã có.
“Việt Nam đã ký kết tham gia tiến trình ứng phó với biến đổi khí hậu với LHQ, và cam kết Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) là giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải thông thường bằng nguồn lực của quốc gia đến năm 2030 và tăng lên 25% nếu có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam cũng đặt mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả để giảm mức tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP, và sẽ rất tốt cho một quy hoạch Phát triển điện hướng đến giảm tỉ trọng than và tăng năng lượng tái tạo. Chúng tôi tin rằng Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và sẽ có những bước tiến vượt bậc hơn từ phía cơ quan quản lý để hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng phát thải ít các-bon”, Đặc phái viên về Biến đổi Khí hậu của Chính phủ Anh nhấn mạnh.
Hà Nội trong danh sách bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu
Top 10 thành phố có dân số bị đe dọa lớn nhất bởi biến đổi khí hậu đều nằm ở châu Á, trong đó có Thượng Hải, Hong Kong, Calcutta, Mumbai, Dhaka, Jakarta và Hà Nội.
Bảo Đức