Những ngày này, đời sống chính trị Việt Nam chứng kiến sự kiện đáng chú ý:
Tuần trước, chiều 30/12/2022, Hội nghị Trung ương bất thường họp, thống nhất để Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XIII; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XIII. Đồng thời Trung ương cho ý kiến về hai nhân sự dự kiến sẽ được giới thiệu để Quốc hội kiện toàn bộ máy Chính phủ.
Chiều nay, 4/1/2023, Quốc hội họp trù bị để 5/1 khai mạc phiên họp bất thường. Trong nhiều nội dung bàn thảo, quyết định có nội dung xem xét cho hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam thôi nhiệm vụ Phó Thủ tướng, và rồi Quốc hội kiện toàn các chức danh lãnh đạo Chính phủ...
Chuỗi sự kiện trên là đặc biệt, bởi ở cấp Phó Thủ tướng trở lên, Ủy viên Bộ Chính trị, lịch sử Đảng ghi nhận duy nhất trường hợp Tổng Bí thư Trường Chinh, 66 năm trước, năm 1956, từ chức vì những sai lầm trong cải cách ruộng đất.
Còn gần đây nhất, cấp Ủy viên Trung ương Đảng, chỉ có Bộ trưởng NN&PTNT Lê Huy Ngọ từ chức vì trách nhiệm chính trị trong vụ án Lã Thị Kim Oanh, thời điểm năm 2004.
Từ chức ở đây được hiểu là những cán bộ cấp cao ấy, tự nhận thấy trách nhiệm của mình trước Đảng, trước Nhân dân, tự giác chính trị, nhận trách nhiệm chính trị cao nhất. Hoàn toàn không phải vì những hạn chế, khuyết điểm, hay sai phạm mà tìm đến từ chức như để thoái thác trách nhiệm.
Nhận trách nhiệm chính trị
Tại Hội nghị Trung ương bất thường vào chiều 30/12, thay mặt Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai báo cáo về việc xin ý kiến BCH TW cho Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và Ủy viên Trung ương Đảng – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thôi chức vụ. Hai Phó Thủ tướng trình bày ý kiến, ngắn gọn và cả hai đều đề cập tới chức trách, nhiệm vụ của mình.
Chống đại dịch Covid-19 là công cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Qua đó đã nhân lên nhiều giá trị tốt đẹp, yêu nước, thương nòi; Nhân dân tin vào Đảng, tin vào Nhà nước hơn. Nhưng bên cạnh đó, vụ kit test Việt Á rồi vụ án bay giải cứu ảnh hưởng rất xấu trong xã hội. Hai vị bộ trưởng và nguyên bộ trưởng liên quan bị khởi tố, trợ lý của hai Phó Thủ tướng cũng bị bắt.
Hai Phó Thủ tướng là cán bộ lãnh đạo cao cấp nên đã nhận thức phải có trách nhiệm chính trị trước Đảng, trước Nhân dân và đã nhận trách nhiệm chính trị ở mức cao nhất.
Trung ương cũng tập trung rất cao, đồng ý để cả hai vị Phó Thủ tướng Chính phủ thôi chức vụ trong Đảng và thực hiện quy trình liên quan tới chức danh nhà nước.
Thực hành nêu gương
Chủ trì Hội nghị Trung ương bất thường lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự đánh giá cao của Bộ Chính trị về hai cán bộ cao cấp của Đảng, đều là những người đồng chí qua rèn luyện, trưởng thành, có nhiều đóng góp.
Nhưng đến lúc này, khi thấy mình đã nỗ lực hết sức nhưng không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, thì đã chủ động dừng lại, rút lui trong danh dự, đây là thực hiện đúng trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương.
Cảm nhận về sinh hoạt chính trị đặc biệt này, các Ủy viên Trung ương mà người viết trao đổi đều chia sẻ rằng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là những người tham gia nhiều nhiệm kỳ Trung ương, giữ cương vị cao nhưng nhận trách nhiệm chính trị và nêu gương như vậy thì cũng sẽ mở đường để các Đảng viên khác nếu tự thấy mức độ hoàn thành không tốt, cũng sẵn sàng nghỉ để nhường vị trí cho những người khác.
Lượng đổi, chất đổi
Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng được phát động, kiên trì triển khai từ những nhiệm kỳ gần đây, nhất là từ sau Đại hội XII, đến nay có thể thấy bắt đầu đến ngưỡng “lượng đổi, chất đối”.
Lần đầu tiên từ sau Đổi mới, ở cấp Phó Thủ tướng - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị đã thực hành nêu gương ở cấp độ cao nhất, “chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ” – một trong nhiều yêu cầu về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương, theo Quy định 08-QĐ/TW năm 2018.
Nếu so với các trường hợp trước đó, có thể cảm nhận đang có những thay đổi về chất. Gần đây nhất, ba Ủy viên Trung ương Đảng là các ông Nguyễn Thành Phong, Bùi Nhật Quang, Huỳnh Tấn Việt chỉ bày tỏ nguyện vọng cá nhân xin thôi tham gia BCH Trung ương sau khi bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật cảnh cáo.
Với ba trường hợp ấy, có thể đối chiếu với Kết luận 20 của Bộ Chính trị về bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật: Trung ương khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.
Nghĩa Nhân