Hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng nông sản, giờ đây đang trở thành một trong những kênh mua sắm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, mới đây, sau vụ việc rau được gom ở chợ “biến hình” thành rau sạch vào siêu thị bị phanh phui, khiến người dân không chỉ mất lòng tin về chất lượng an toàn thực phẩm mà còn đặt câu hỏi: Vì sao hàng "bẩn" vẫn "leo" lên kệ của loại "chợ" đặc biệt này, dù đã phải qua kiểm định của một loạt các cơ quan chức năng? Liệu đến bao giờ người dân mới thoát khỏi nỗi lo về thực phẩm không an toàn?
Chia sẻ với PV VOV2, chị Trần Thanh Mai ở Hà Đông, Hà Nội cho rằng: Khi tình trạng thực phẩm bẩn, mất an toàn là nỗi lo của các bà nội trợ, bản thân chị đã lựa chọn một cách an toàn hơn cho mâm cơm nhà mình là vào mua thực phẩm trong hệ thống các siêu thị, các cửa hàng rau sạch để mong muốn sẽ có nguồn thực phẩm chất lượng tốt hơn ở các chợ cóc, chợ tạm.
Nhưng thực tế cho thấy, dù đã bỏ một số tiền gấp đôi, thậm chí gấp ba, gấp bốn lần so với giá chợ song quả thật bản thân chị cũng không dám chắc chắn đã mua được hàng chất lượng như mình mong muốn, khi cái mác “hàng sạch, hàng đảm bảo” chỉ là một cách ngụy trang để những sản phẩm kém chất lượng được bày bán một cách công khai với giá cả đắt đỏ.
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: Việc rau chợ “biến hình” thành rau an toàn vào các siêu thị, cửa hàng vừa qua không phải là lần đầu tiên báo chí phanh phui về vấn nạn “hàng chợ” “đội lốt” rau an toàn, rau đạt chuẩn VietGAP. Và không chỉ với với mặt hàng rau, rất nhiều thực phẩm khác cũng từng bị phanh phui như thế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của người tiêu dùng.
"Ngay cả những siêu thị kiểm soát tốt nhất vẫn lọt lưới không ít thực phẩm không an toàn". Khẳng định điều này, ông Phú cho rằng: Với người tiêu dùng, dù ở ngoài chợ hay trong siêu thị, đều rất khó chọn được rau sạch thật sự theo đúng nghĩa. Thậm chí, ngay cả các chuyên gia cũng phải chấp nhận “khuất mắt trông coi” và ăn rau theo niềm tin, cảm tính của chính mình.
Chịu sự quản lý của ba ngành: Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn,Y tế nên đối với các siêu thị, việc xin giấy phép, giấy chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm phải qua rất nhiều "cửa". Với mỗi sản phẩm, muốn có được "chỗ đứng" trong siêu thị phải cũng không phải là chuyện dễ dàng. Với mặt hàng thực phẩm phải có hồ sơ công bố chất lượng theo quyết định của Bộ Y tế; hàng nhập khẩu phải có tờ khai hải quan, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận đạt chất lượng nhập khẩu của Bộ Y tế.
“Tôi đếm vội cũng phải 45 các thủ tục. Ví dụ như là hàng nhập khẩu phải có giấy hải quan, hàng thực phẩm nội địa sẽ có giấy phép sản xuất, giấy đăng ký kinh doanh”. Với một loạt các thủ tục kiểm định nghiêm ngặt và giấy tờ gắt gao, vậy tại sao hàng "bẩn" vẫn "leo" lên kệ của loại "chợ" đặc biệt này?
Trả lời câu hỏi này ông Phú cho rằng: Trước hết là do các siêu thị hoạt động không chuyên nghiệp, chưa chú trọng đến chính sách phát triển siêu thị, đặc biệt là vấn đề nhân sự. Rất nhiều giám đốc siêu thị Việt Nam không được đào tạo về bán lẻ. Thêm vào đó, cơ chế kiểm tra, xử lý, giám sát hiện còn quá nhiều lỗ hổng và yếu kém.
“Khi tiến hành kiểm tra việc kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, thực phẩm trong siêu thị, các đoàn kiểm tra cũng chỉ căn cứ vào hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc sản phẩm do siêu thị cung cấp. Việc kiểm tra quản lý trên giấy như thế làm sao có thể có kết quả chính xác”, ông Phú nhấn mạnh.
Ngoài ra theo ông Phú, mức xử phạt nhẹ cũng là nguyên nhân để các siêu thị tiếp tục kinh doanh hàng hóa kém chất lượng.
Ông Phú khẳng định: “Nếu vẫn làm theo kiểu “quản lý trên giấy” như hiện nay thì thời gian tới thực phẩm bẩn vẫn tiếp tục tái diễn và người chịu thiệt hại nhất vẫn chính là những người tiêu dùng”.
Bàn tới giải pháp chống thực phẩm bẩn, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp cần liên kết để sản xuất tốt hơn và cùng nhau làm thực phẩm sạch.
Nguồn gốc của sản phẩm là tiêu chí rất quan trọng, qua đó cung cấp thông tin giúp người tiêu dùng lựa chọn được sản phẩm an toàn. Trường hợp siêu thị bày bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng thì sẽ bị xử phạt tùy mức độ sai phạm.
Ngoài ra cơ quan quản lý cũng cần tăng mức độ xử phạt để có tính răn đe. Đi kèm xử phạt phải tăng cường giáo dục và việc giáo dục phải trở thành thói quen để cho mọi người có trách nhiệm.
Sau thông tin báo chí phản ánh về tình trạng nhiều người dân phải trả giá cao để mua "rau an toàn" và "đạt chuẩn Vietgap " tại các siêu thị, nhưng thực tế một số công ty lại đi gom rau ở chợ đầu mối, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị, 2 bộ liên quan là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã vào cuộc để làm sáng tỏ tình trạng này, tìm giải pháp ổn định thị trường, cũng như ngăn chặn tình trạng "treo đầu dê bán thịt chó" đối với rau dán nhãn VietGAP vốn được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Theo đó, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã yêu cầu 12 đơn vị có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận VietGAP trong thời hạn 5 ngày phải báo cáo lại quá trình hoạt động cấp phép của mình và sẽ tiến hành thanh tra đột xuất, nếu có sai phạm sẽ bị xử lý. Lực lượng quản lý thị trường cho biết sẽ mở đợt kiểm tra diện rộng nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm. |
Theo VOV2