Tại Việt Nam, những năm gần đây, nhu cầu mua thức ăn chế biến sẵn ngày càng phổ biến. Thậm chí, nhiều bà nội trợ đưa ra quan điểm “giải phóng lao động” bằng cách lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn.
Chị Lê Hương (trú tại Hà Nội) cho biết hằng tuần, gia đình chị đi siêu thị mua đồ ăn về tích trữ ăn trong tuần. Công việc bận rộn nên thực phẩm chị chọn là đồ ăn tiện lợi, chế bến sẵn như giò chả cho tới thịt hun khói, thịt chế biến sẵn hút chân không, khi cần chỉ cho vào lò vi sóng quay nóng là cả nhà ăn được. Các món ăn chế biến này tiện lợi, lại giải phóng sức lao động trong gian bếp.
Chị Nguyễn Thanh Hằng (trú tại Quảng Ninh) cũng thừng xuyên mua đồ ăn chế biến sẵn. Do công việc bận rộn, chị thường mua cá kho, thịt bằm, các loại đồ hộp. Việc ăn uống bằng thực phẩm chế biến sẵn lại khiến các thành viên thích thú vì “ăn kiểu Tây”, đặc biệt là trẻ nhỏ. Thay vì lo đồ ăn sáng cho con, chị Hằng cho biết chỉ vài lát thịt nguội và bánh mì là bé có thể ăn ngon lành.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Hà Nộ), nhu cầu ăn uống thực phẩm công nghiệp ngày càng tăng lên. Các loại đồ hộp hay thực phẩm chế biến công nghiệp đa phần đều được sử dụng chất bảo quản.
Ngoài ra, bác sĩ Hưng cho biết thực phẩm chế biến sẵn chứa các calo ít giá trị dinh dưỡng nhưng chúng lại chứa quá nhiều muối và chất béo có thể kích thích phản ứng muốn ăn thêm trong não. Thức ăn ngon do sự quá tải của các chất phụ gia và làm cho cơ thể cảm thấy thèm ăn với số lượng không thể kiểm soát. Nếu người chế biến sử dụng các loại dầu hydro hóa một phần có thể làm phát triển bệnh ung thư. Thực phẩm nấu sẵn còn chứa vô số các hóa chất nhân tạo, chất bảo quản, màu sắc nhân tạo và chất tạo hương vị có thể gây dị ứng.
Các phụ gia thực phẩm này được phép sử dụng nhưng nếu quá ngưỡng an toàn có thể gây ngộ độc. Bác sĩ Hưng cho rằng các gia đình nên cân bằng giữa thực phẩm tự nấu và mua sẵn. Khi chọn thực phẩm, cần chú trọng khâu an toàn thực phẩm, lựa chọn thực phẩm đầu vào không được kiểm soát chặt chẽ, sử dụng các chất phụ gia trong tẩm ướp và dụng cụ chứa đựng không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh.
Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa (Hà Nội), cho biết thực phẩm chế biến sẵn đều chứa một lượng phụ gia, chất bảo quản.
Ví dụ, thịt hun khói được thêm phenol và các hóa chất khác có tác dụng kháng khuẩn. Các loại xúc xích, dăm bông còn được cho thêm nitrite để bảo quản lâu hơn. Trong thịt, nitrite biến thành oxit nitric. Chất này phản ứng với các protein trong thịt, từ đó làm thay đổi màu sắc nên thịt thường có màu đỏ. Nếu thịt không cho nitrit hay các phụ gia khác sẽ chuyển sang màu nâu.
Do đó, nếu lạm dụng thực phẩm có chứa các chất này khiến hàm lượng tiêu thụ vượt ngưỡng an toàn, người dân sẽ phải đối diện với nguy cơ sức khỏe bị ảnh hưởng cao hơn. Vì vậy, ông Thịnh khuyến cáo người dân có thể ăn thực phẩm chế biến sẵn nhưng không nên lạm dụng sự tiện lợi để quên đi thực phẩm tươi, tự chế biến tại nhà.