Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học ở Hong Kong ghi nhận, những phụ nữ ăn các loại thịt đã qua chế biến và các thực phẩm bảo quản khác có nhiều khả năng bị ung thư vú.
Kết quả được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Phòng chống Ung thư tháng 8 đã xem xét thực phẩm bảo quản chứa nitrat và nitrit có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú như thế nào.
Phân tích dựa trên dữ liệu của 1.307 phụ nữ bị ung thư vú và 1.050 phụ nữ đối chứng theo độ tuổi không bị ung thư, tất cả đều sống ở Hong Kong.
Những người tham gia khảo sát đang điều trị tại 3 bệnh viện. Họ được yêu cầu trả lời một bảng câu hỏi cung cấp thông tin về chế độ ăn uống gồm cả thực phẩm bảo quản. Trong đó có thịt đã qua xử lý, dưa muối chua, thịt hộp và rau quả đóng hộp.
Nhóm tác giả đã so sánh xác suất phát triển ung thư vú giữa hai nhóm dựa trên câu trả lời của họ.
Theo kết quả phân tích, ăn thịt đã qua xử lý làm tăng 32% nguy cơ phát triển ung thư vú ở phụ nữ. Nguy cơ tăng hơn gấp đôi ở những người ăn thịt chế biến sẵn ít nhất một lần mỗi tuần so với những người không ăn.
Những người ăn rau quả đóng hộp ít nhất một lần mỗi tuần cũng có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn, đặc biệt là loại dương tính với HER2 có khả năng xâm lấn cao. Tuy nhiên, mối liên hệ đã giảm bớt sau khi các nhà nghiên cứu điều chỉnh những yếu tố gây nhiễu.
Theo nhóm tác giả, mặc dù có lý do để tin rằng tiêu thụ thịt đã qua chế biến là yếu tố nguy cơ tiềm ẩn đối với ung thư vú, nhưng vẫn cần các nghiên cứu quy mô lớn hơn để xác nhận thêm phát hiện trên.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, chiếm gần 10 triệu ca tử vong vào năm 2020.
Các loại ung thư phổ biến nhất là ung thư vú (2,26 triệu ca mắc mới vào năm 2020), phổi (2,21 triệu), đại tràng và trực tràng (1,93 triệu).
Những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong do ung thư là phổi (1,8 triệu ca), đại tràng và trực tràng (916.000), gan (830.000), dạ dày (769.000) và ung thư vú (685.000).