Theo Zhao Zhiguo, Giám đốc kỹ thuật Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT), nước này sẽ nghiên cứu thêm các kịch bản sử dụng 5G trong nhiều lĩnh vực, bao gồm khai mỏ, vận hành cảng biển... Hơn 3.000 doanh nghiệp dự kiến xây dựng nhà máy kết nối 5G trong năm nay.
Tính đến cuối tháng 6, tổng số 2,93 triệu trạm gốc 5G đã đi vào hoạt động tại Trung Quốc và số lượng thuê bao 5G đạt 676 triệu, số lượng thiết bị IoT đạt 2,12 tỷ, theo MIIT.
5G đang được ứng dụng trong 60/97 lĩnh vực kinh tế lớn trong nước, tiếp tục được mở rộng trong các mảng như sản xuất, y tế, giáo dục, vận tải. Ông Zhao cho biết, các kịch bản sử dụng 5G lên tới hơn 50.000. Bên cạnh cải thiện toàn diện chất lượng mạng 5G, nhà chức trách sẽ mở rộng vùng phủ sóng đến các khu vực đô thị cũng như nông thôn.
Bốn năm sau khi chính thức cấp phép 5G thương mại, Trung Quốc đã đạt nhiều bước tiến với công nghệ mạng di động thế hệ mới. Ngành viễn thông đầu tư gần 600 tỷ NDT (84 tỷ USD) để xây dựng mạng lưới 5G, trực tiếp đóng góp khoảng 3,8 nghìn tỷ NDT vào kinh tế đất nước.
Theo truyền thông, tốc độ thiết lập trạm gốc 5G của Trung Quốc nhanh hơn nhiều so với Mỹ. Đầu năm 2022, Thời báo Phố Wall đưa tin Mỹ mới xây được khoảng 100.000 trạm gốc 5G.
Một điểm nhấn khác của ứng dụng 5G là trong ngành công nghiệp, nơi công nghệ này mang đến những thay đổi mang tính cách mạng như điều khiển từ xa trong các công ty khai mỏ, kỹ thuật, tự động hóa vận hành tại các cảng biển, thanh tra tự động tại các nhà máy quan trọng. Các thành phố như Thượng Hải, Đại Liên thành lập nhiều khu công nghệ 5G.
Các chuyên gia nhấn mạnh ứng dụng 5G tại Trung Quốc vẫn còn dư địa phát triển. Bộ trưởng MIIT Jin Zhuanglong cho biết, Trung Quốc sẽ tăng tốc phát triển mạng riêng ảo (VPN), tiếp tục tối ưu hóa hạ tầng, xây dựng nhà máy 5G.
(Theo Global Times)