Anh Nguyễn Minh Khánh, chủ một showroom bán ô tô ở Hà Nội cho hay, anh sở hữu số 0997xx6789 của Gmobile và sử dụng số này đã lâu để làm hotline của công ty. Thế nhưng, trước Tết 2023, thuê bao này không sử dụng được vì không có sóng.
“Khi thuê bao không sử dụng được dịch vụ, tôi cũng không nhận được thông báo hay tin nhắn gì của nhà mạng. Ba tháng trước, tôi liên hệ đến tổng đài của Gmobile hỏi vì sao không có sóng tại Hà Nội thì nhận được câu trả lời rất vô trách nhiệm là do mạng bị sự cố. Phía nhà mạng khuyến cáo đừng vứt SIM đi, bao giờ hết sự cố họ sẽ thông báo. Nhiều khách hàng và đối tác liên hệ đến số này của tôi, nhưng do không có tín hiệu nên họ thắc mắc hay là tôi vỡ nợ phải tắt máy bỏ trốn”, anh Khánh bức xúc nói.
Mới đây, độc giả Nguyễn Anh Đ, Hải Phòng gửi thư đến VietNamNet phản ánh tình trạng từ tháng 3/2023 nhà mạng Gmobile đã cắt sóng nên thuê bao của anh không thể sử dụng được dịch vụ. Sau đó, anh lên trang web của nhà mạng thì thấy thông báo hỗ trợ thuê bao 2G trả sau Gmobile đang gián đoạn dịch vụ.
“Tôi gọi điện đến tổng đài thì được nhân viên chăm sóc khách hàng cho biết thuê bao của Gmobile sẽ chuyển sang dùng sóng của nhà mạng MobiFone và VinaPhone, trong giai đoạn này tạm thời không liên lạc được. Sau đó, nhân viên chăm sóc khách hàng hướng dẫn tôi cài ứng dụng iZOTA để nghe và gọi. Tôi phải nạp tiền mới sử dụng được, nhưng cũng không có dịch vụ SMS", anh Đ. chia sẻ.
Hiện gia đình anh đang sử dụng 6 số của Gmobile là 0997xx5555, 099xx62222, 099xx22222, 099xx77777,… đã đăng ký chính chủ. Những số này đã được dùng để đăng ký tài khoản ngân hàng và ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram… nên anh gặp rắc rối khi không thể sử dụng dịch vụ để đổi mật khẩu. Ngay cả việc gọi điện trên iZOTA cũng chập chờn lúc được lúc không.
“Tôi đã nhiều lần liên hệ với tổng đài chăm sóc khách hàng của Gmobile thì chính nhân viên của nhà mạng xác nhận rằng họ cũng chưa biết chủ trương của công ty về sự cố. Hiện nhà mạng vẫn chưa có bất cứ động thái gì hỗ trợ khách hàng như tôi. Tôi đề nghị nhà mạng sớm khôi phục dịch vụ để chúng tôi sử dụng. Giả sử SIM của chúng tôi bị mất thì ai chịu trách nhiệm cho chúng tôi”, anh Đ. bức xúc nói.
Độc giả Chung Anh ở Hòa Bình cũng phản ánh với VietNamNet về số thuê bao 0995xx999 của anh lâu nay “đắp chiếu” vì nhà mạng đột nhiên cắt sóng. Anh Chung Anh cho biết, đã cố gọi cho tổng đài của nhà mạng để được hỗ trợ nhưng không thể liên lạc được.
Rất nhiều khách hàng của Gmobile bày tỏ bức xúc với nhà mạng này vì bỏ rơi khách hàng sau khi cắt sóng nhiều tháng nay.
Trong 1 thông báo đăng trên trang web chính thức của Gmobile ngày 21/6, chậm hơn 3 tháng so với thời điểm khách hàng phản ánh họ gặp sự cố mất sóng hoàn toàn, nhà mạng này có thông báo về việc hỗ trợ thuê bao 2G trả sau Gmobile đang gián đoạn dịch vụ.
Theo đó, Gmobile triển khai phương án hỗ trợ thuê bao 2G trả sau đang sử dụng dịch vụ của Gmobile chuyển đổi sang thuê bao trả trước và giữ nguyên thông tin chủ thuê bao theo quy định hiện hành. Theo thông báo này, đối với những thuê bao thuộc dải số 0995, khách hàng có thể thực hiện chuyển đổi sang sim vật lý 4G hợp tác cùng Vietnamobile. Đối với những thuê bao thuộc dải số 09968, 09969, khách hàng có thể thực hiện chuyển đổi sang SIM vật lý 4G hợp tác cùng MobiFone. Đối với những thuê bao thuộc dải số 09960, 09961, 09962, 09963, 09964, khách hàng sử dụng GSIM qua ứng dụng iZOTA. Đối với những dải số khác, Gmobile sẽ thông báo đến khách hàng khi hệ thống kỹ thuật sẵn sàng. Khách hàng tại thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh đến trực tiếp tại các điểm giao dịch của Gmobile để thực hiện chuyển đổi thuê bao trả sau sang trả trước.
Đây không phải là lần đầu tiên khách hàng của Gmobile phản ánh về việc thuê bao của họ “đắp chiếu” trong thời gian dài vì không có sóng.
Hồi tháng 6/2020, phát biểu tại Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), ông Nguyễn Trường Phi, Tổng Giám đốc Gmobile cho biết, hiện mạng di động Gmobile chỉ có mạng 2G chưa có 3G và 4G. Từ năm 2014, để mở rộng vùng phủ sóng cho khách hàng, Gmobile đã roaming 2G với VinaPhone. Trong thời gian tới, Gtel muốn phát triển mạng 5G.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trường Phi thừa nhận việc đầu tư 5G tốn kém. Mục đích của mạng 5G là phục vụ nhu cầu cho Internet vạn vật (IoT) nên cần cơ sở hạ tầng rất lớn và cả hạ tầng chi tiết như cột điện, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu… Vì vậy, Gtel muốn sử dụng chung hạ tầng với các nhà mạng khác để giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả kinh doanh. Theo ký kết giữa Gtel và Viettel, VNPT và MobiFone ngày 10/6/2020, các bên sẽ sử dụng chung hạ tầng khoảng 200 trạm thu phát sóng.
VietNamNet đang liên hệ với Gmobile để có thông tin cho độc giả về hiện tượng mất sóng trong thời gian dài của nhà mạng này.