Thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đưa ra khi đề cập đến tác hại của thuốc lá tại chương trình tăng cường nhận thức cộng đồng về ung thư phổi diễn ra cuối tuần qua.
Ngoài là nguyên nhân gây ra trên 90% ca bệnh ung thư phổi, theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, thuốc lá còn chịu trách nhiệm cho 30% tổng cộng các loại ung thư, như ung thư hạ họng, thanh quản, khoang miệng, thực quản..., thậm chí ung thư cổ tử cung cũng được chứng minh có liên quan đến thuốc lá.
Điều tra toàn cầu về thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2020 cho thấy, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá là 42,3% và 1,7% ở nữ giới là khá cao, đặt ra những thách thức cho việc dự phòng ung thư phổi.
Bên cạnh thuốc lá truyền thống như thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi (thuốc lào), theo lãnh đạo Bộ Y tế, sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đã được Tổ chức Y tế thế giới chứng minh là có hại cho sức khỏe, trong có có nguy cơ gây ra ung thư.
Theo thông tin từ Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho thấy những bằng chứng gần đây chỉ ra rằng thuốc lá điện tử có nguy cơ gây ung thư. Sol khí sinh ra từ thuốc lá điện tử có thể tăng cường hoạt động các enzym gây ung thư, dẫn đến tổn thương DNA và ung thư sau khi hút trong thời gian dài.
Không chỉ có sol khí, khói tạo ra từ thuốc lá điện tử, mà cả việc tiếp xúc với kim loại trong dung dịch thuốc lá điện tử cũng làm tăng nguy cơ ung thư.
Bằng chứng gần đây đã chỉ ra rằng thuốc lá điện tử gây tổn thương DNA, làm tăng nguy cơ ung thư. Ngoài ra, việc sử dụng các loại thuốc lá điện tử có thể làm tăng khả năng kháng hóa trị, tăng khả năng sống sót của tế bào ung thư và yêu cầu liều hóa trị cao hơn.
Thứ trưởng Thuấn cũng cho biết vì số mắc ung thư ở Việt Nam còn khá cao và rất nhiều bệnh nhân đến khám muộn, do đó Bộ Y tế đang đề xuất sửa đổi Luật BHYT trong đó quy định quỹ BHYT chi trả chi phí cho việc tầm soát ung thư sớm. Hiện quỹ BHYT mới chi trả chi phí khám chữa bệnh cho những bệnh nhân có nghi ngờ dấu hiệu hoặc mắc bệnh ung thư.