
Theo thông cáo từ Nhà Trắng đêm 15/4 (giờ địa phương), Mỹ sẽ áp thuế lên tới 245% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia và nhằm đáp trả các biện pháp trả đũa thuế quan mới đây của Bắc Kinh.
Mức thuế cao bất thường được áp dụng đối với một số mặt hàng chiến lược của Trung Quốc, đặc biệt là xe điện, pin và công nghệ xanh. Động thái được xem là đòn giáng mạnh chưa từng có đối với quan hệ thương mại song phương kể từ sau cuộc chiến thuế quan năm 2018. Song, ẩn sau quyết định này là những tín hiệu sâu xa hơn về xu hướng thay đổi trong cấu trúc quyền lực toàn cầu.

Giai đoạn mới của thương chiến
Không giống cuộc chiến thương mại giai đoạn 2018 - 2019, vốn chủ yếu nhằm vào hàng tiêu dùng, đợt áp thuế mới của Mỹ đã chuyển hướng sang những lĩnh vực chiến lược hơn nhiều như công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, trụ cột cho năng lực cạnh tranh quốc gia trong thế kỷ XXI. Đây là đòn giáng trực diện vào các ngành công nghiệp chủ lực của Trung Quốc, từ xe điện, pin lithium đến năng lượng tái tạo, những lĩnh vực đại lục đang dẫn đầu về quy mô và tốc độ phát triển.
Theo thông tin của Nhà Trắng, “chỉ trong tuần này, Trung Quốc đã đình chỉ xuất khẩu 6 kim loại đất hiếm và các loại nam châm đất hiếm, nhằm hạn chế nguồn cung toàn cầu”.
Với Trung Quốc, tác động rất rõ ràng. Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ đang phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ, sẽ phải đối mặt với tổn thất đáng kể. Trong khi đó, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không đứng yên. Một loạt biện pháp trả đũa đang được tính đến, bao gồm cả siết chặt xuất khẩu các nguyên liệu hiếm và công nghệ lõi mà Mỹ đang cần cho chuỗi sản xuất như đất hiếm, pin thể rắn hay module năng lượng cao. Trung Quốc cũng dự kiến sẽ đẩy mạnh chiến lược “xoay trục thị trường”, gia tăng hiện diện tại châu Âu, ASEAN và Mỹ Latinh, những khu vực đang khát vốn và công nghệ giá rẻ để bù đắp thiệt hại và mở rộng ảnh hưởng.
Trong khi đó, người tiêu dùng Mỹ có thể sớm cảm nhận tác động thông qua giá cả leo thang, đặc biệt ở các sản phẩm công nghệ xanh và phương tiện di chuyển cá nhân. Chính quyền Trump sẽ buộc phải tăng tốc các gói đầu tư công nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mở rộng sản xuất. Song, điều đó đòi hỏi thời gian, nguồn lực và sự đồng thuận chính trị chưa chắc dễ đạt được.
Ngoài ra, bước đi đơn phương về thuế quan của Mỹ còn tiềm ẩn nguy cơ gây rạn nứt với các đồng minh ở châu Âu, nơi nhiều quốc gia vẫn phụ thuộc đáng kể vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và không mặn mà với một cuộc đối đầu toàn diện.
Khả năng tái định hình cấu trúc quyền lực toàn cầu
Cuộc đối đầu thuế quan đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc thoạt nhìn giống tranh chấp thương mại đơn thuần. Song, thực chất, đây có thể là một mắt xích trong quá trình tái cấu trúc trật tự toàn cầu, nơi các siêu cường không chỉ tranh giành thị phần, mà còn thiết lập lại luật chơi địa kinh tế của thế giới. Việc Mỹ chủ động tung ra các biện pháp bảo hộ cứng rắn cho thấy sự chuyển hướng rõ rệt khỏi mô hình toàn cầu hóa truyền thống, sang một thế giới được chia thành các khối kinh tế công nghệ riêng biệt, ít liên thông hơn và giàu tính cạnh tranh chiến lược hơn.
Các dấu hiệu đã dần hiện rõ. Trong khi nhóm G7 cùng các đồng minh phương Tây ráo riết đàm phán để hình thành một liên minh công nghệ và chuỗi cung ứng khép kín, nhằm giảm tối đa sự phụ thuộc vào linh kiện và nguyên liệu từ Trung Quốc, Bắc Kinh cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Trung Quốc đang tăng tốc mở rộng tầm ảnh hưởng qua các khuôn khổ như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS+ và các hành lang thương mại mang dấu ấn riêng, nổi bật là chiến lược “Chuỗi cung ứng châu Á - ASEAN - Trung Á” đang định hình lại lộ trình hàng hóa toàn cầu.
Hệ quả tất yếu là các quốc gia đang phát triển, vốn từng hưởng lợi từ một thị trường toàn cầu mở, nay phải đối mặt với bài toán sinh tử - chọn phe để giữ vai trò trong chuỗi giá trị hay chấp nhận bị gạt ra bên lề. Điều này dẫn đến sự phân mảnh ngày càng sâu sắc của hệ thống kinh tế quốc tế, kéo theo những bất ổn chính trị và rủi ro mất kiểm soát chuỗi cung ứng.
Dưới góc nhìn cấu trúc quyền lực, giới phân tích cho rằng, đây là chỉ dấu rõ ràng của một trật tự lưỡng cực đang hình thành, trong đó Mỹ và Trung Quốc giữ vai trò 2 cực quyền lực đối đầu, cạnh tranh không chỉ về kinh tế mà còn về hệ giá trị, mô hình quản trị và ảnh hưởng toàn cầu. Trật tự đơn cực do Mỹ dẫn dắt suốt 3 thập niên qua dường như đang lùi về sau, nhường chỗ cho một cuộc chơi mới, nơi “vị trí trung lập” trở thành điều xa xỉ.
Viễn cảnh tương lai
Căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đang đẩy hệ thống thương mại toàn cầu vào một bước ngoặt, với 3 kịch bản chính do giới quan sát dự báo.
Kịch bản đầu tiên là xung đột kinh tế toàn diện, khi 2 bên tiếp tục leo thang trả đũa. Mỹ tăng thuế và siết chặt chuyển giao công nghệ, trong khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nguyên liệu chiến lược. Điều này có thể dẫn đến suy giảm thương mại toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng và lạm phát lan rộng trong các ngành then chốt như năng lượng tái tạo, công nghệ cao và nông sản.
Kịch bản thứ 2 là thương lượng chiến lược, với khả năng Washington và Bắc Kinh dùng các biện pháp thuế quan như “quân bài mặc cả” để quay lại bàn đàm phán, từ đó thiết lập một thỏa thuận mới về tiếp cận thị trường, trợ cấp công nghệ và bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Kịch bản thứ 3, đáng quan ngại hơn cả là sự chia rẽ hệ thống toàn cầu, khi thế giới phân tách thành các khối kinh tế riêng biệt. Một trật tự “đa cực phân mảnh” như vậy sẽ kém hiệu quả hơn, nhưng có thể ổn định trong từng cụm địa kinh tế.
Tuy nhiên, dù đi theo kịch bản nào, điều chắc chắn là kỷ nguyên toàn cầu hóa không còn như trước. Thương mại không còn là sân chơi thuần kinh tế, mà là công cụ định hình ảnh hưởng và trật tự toàn cầu mới.
Trương Quốc Lượng


‘Vũ khí bí mật’ của Trung Quốc và EU để ứng phó với đòn thuế từ Mỹ
