Tuần trước, hai siêu cường thế giới đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi ra tuyên bố chung, nhất trí giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại hội nghị ở Glasgow, Scotland. Tuy nhiên, điều này vẫn không thể giúp hai bên sớm xóa bỏ một loạt vấn đề tranh cãi.
Ông Tập Cận Bình gặp ông Joe Biden tại California hồi tháng 1/2012, khi đó ông Tập Cận Bình là Phó chủ tịch Trung Quốc và ông Joe Biden là Phó tổng thống Mỹ. Ảnh: AP |
Hãng tin BBC dẫn các nguồn thạo tin cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến lần này, ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình sẽ đề cập tới nhiều chủ đề hóc búa, trong đó có an ninh mạng, thương mại và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trong một thông cáo ngày 12/11, Nhà Trắng cho biết "hai nhà lãnh đạo sẽ bàn bạc cách thức quản lý một cách có trách nhiệm sự cạnh tranh" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Còn trong thông điệp gửi tới Ủy ban quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung, ông Tập Cận Bình mô tả mối quan hệ song phương đang ở một "thời điểm lịch sử quan trọng".
"Cả hai nước sẽ được lợi từ hợp tác và thiệt hại từ đối đầu. Hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất", nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định.
Tổng thống Biden muốn gì?
Theo nhà báo Zhaoyin Feng của BBC News, hội nghị trực tuyến ngày 15/11 không mang nhiều kỳ vọng nhưng bản thân sự kiện này sẽ là một thành công lớn. Cả hai nước đều có ý định hàn gắn quan hệ Mỹ - Trung sau khi nếm trải nhiều sóng gió trong những năm gần đây.
Vấn đề Đài Loan có khả năng sẽ đứng đầu chương trình nghị sự. Cuộc gặp cũng sẽ là cơ hội để ông Biden thuyết phục ông Tập rằng, chiến lược Trung Quốc của Washington hiện nay có thể là một khuôn khổ ổn định cho mối quan hệ song phương. Học thuyết về Trung Quốc của ông Biden trước đây đã được Ngoại trưởng Antony Blinken tóm lại bằng các cụm từ: "cạnh tranh khi cần, hợp tác khi có thể, và đối đầu khi cần thiết".
Tuy nhiên, Bắc Kinh tuyên bố rõ rằng các vấn đề hợp tác, chẳng hạn như hành động về khí hậu, không thể tách rời các điểm tranh cãi trong quan hệ ngoại giao. Hồi tháng 9, Ngoại trưởng Vương Nghị bình luận: "Nếu ốc đảo bị bao quanh bởi sa mạc, sớm muộn gì ốc đảo cũng sẽ bị sa mạc hóa".
Chủ tịch Tập Cận Bình muốn gì?
Theo nhà báo Robin Brant của BBC News, đối thoại là hai từ chứa đựng các mối quan tâm chủ chốt của Trung Quốc khi ông Tập chuẩn bị ngồi xuống và trò chuyện qua Zoom với nhà lãnh đạo Mỹ. Nguy cơ xung đột là lý do tại sao "đối thoại" sẽ đứng đầu danh sách mong muốn của "hội nghị thượng đỉnh trực tuyến" này.
Các mối quan hệ đang ở mức xấu. Một báo cáo theo yêu cầu của Nhà Trắng được các cơ quan tình báo Mỹ đưa ra đã hai lần nhắc đến sự thiếu cởi mở của Trung Quốc trong cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch Covid-19. Và mới tuần trước, Tổng thống Biden còn đồng ý áp thêm các hạn chế về thương mại đối với một công ty viễn thông của Trung Quốc. Ông cũng đã thành công trong việc bắt đầu thiết lập các liên minh nhằm thách thức ảnh hưởng và sức mạnh của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo BBC, Bắc Kinh cũng sẽ lưu ý dòng cuối cùng của một thông báo chính thức sau khi hai nhà lãnh đạo điện đàm hồi tháng 9, cảnh báo hai bên phải có trách nhiệm đảm bảo "cạnh tranh không dẫn đến xung đột". Tái thiết lập các cơ chế đa cấp nhằm gặp gỡ, đàm phán và đối thoại sẽ có thể đảm bảo được điều này.
Đọc tin thời sự quốc tế mới nhất trên VietNamNet
Thanh Hảo
Loạt bất đồng đón chờ thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 15/11 nhằm tránh để quan hệ song phương xấu thêm.