Thương mại điện tử theo mô hình B2B, tức doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp, đang trở thành xu hướng tại nhiều khu vực trên thế giới. Chủ sở hữu sàn giao dịch có thể niêm yết hàng hoá để bán cho đối tượng là các nhà phân phối, nhà bán lẻ, các tổ chức, với số lượng lớn (bán sỉ). Mô hình này giúp chuyển đổi số mạnh mẽ cho hệ thống phân phối và giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm rộng hơn, gia tăng doanh số, tiết kiệm chi phí.

Theo nghiên cứu của Statista, doanh thu thị trường thương mại điện tử mô hình B2C tại Việt Nam được dự đoán đạt 14,8 tỷ USD trong năm 2022, với mức tăng trưởng hằng năm khoảng 16,48%. Trong khi đó, với quy mô lớn hơn, thương mại điện tử B2B cao hơn gấp 5 lần, được dự đoán đạt 80 tỷ USD trong năm 2022. 

Trong mô hình B2B, các nhà sản xuất sẽ bán hàng cho nhà phân phối và nhà bán lẻ, hoặc nhà phân phối sẽ bán cho nhiều nhà bán lẻ khác nhau. Số lượng hàng hoá thường ở quy mô lớn thay vì chỉ một vài sản phẩm như mô hình B2C bán cho khách hàng cuối. 

{keywords}
Thương mại điện tử B2B góp phần chuyển đổi số mạnh mẽ cho nhà sản xuất hoặc công ty phân phối. (Ảnh: J&T)

Ông David Sopuch, CEO và nhà sáng lập của Avetti Commerce Corporation, cho hay xu hướng thương mại điện tử B2B đang nở rộ trên nhiều khu vực trên thế giới. Mô hình này giúp giản lược hệ thống phân phối truyền thống vốn tốn nhiều chi phí và nhân lực. Như Avetti đã cung cấp nền tảng thương mại điện tử B2B cho các đối tác lớn ở Canada, Bắc Mỹ, Trung Đông.

“Mô hình sàn giao dịch cho doanh nghiệp không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn xây dựng được cơ sở dữ liệu kênh phân phối, giảm bớt công việc cho nhiều bộ phận”, ông David phân tích. Ngoài ra, mô hình thương mại điện tử B2B còn giúp kết nối các nhà cung cấp, tự động hóa chuỗi cung ứng hay kênh phân phối của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp gia tăng doanh số.

Ông Nguyễn Hà Đức Minh, CEO Lava Digital Group, cho rằng nhiều kênh phân phối hiện nay của các nhà sản xuất hay doanh nghiệp phân phối đều đã số hoá bằng phần mềm. Song trên thực tế hệ thống DMS (Distribution management system) chỉ mới dừng ở việc thay thế cho giấy tờ, chưa giúp doanh nghiệp chuyển đổi số toàn bộ.

Chẳng hạn, hiện nay nhân viên kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất hay nhà phân phối vẫn đang đến các đại lý, các nhà bán lẻ để ghi nhận đơn hàng, nhập vào hệ thống để doanh nghiệp quản lý đơn hàng. Tuy vậy, trong mô hình sàn giao dịch B2B, doanh nghiệp chỉ cần niêm yết hàng hoá, các nhà phân phối hoặc đại lý sẽ đặt hàng trên nền tảng này.

Khi đó, nhân viên kinh doanh không cần phải ghi nhận đơn, tránh các sai sót. Ngoài ra, nhân viên có thêm thời gian tìm hiểu khách hàng, lắng nghe khách hàng, cải tiến sản phẩm và dịch vụ.

Việc khách hàng tự lên đơn giúp số liệu chính xác hơn, tiết kiệm được nhân sự trong các khâu nhập liệu và giảm thiểu công việc cho nhân viên kinh doanh. Không chỉ vậy, các đơn đặt hàng công khai với số liệu minh bạch khiến doanh nghiệp nắm rõ được nhu cầu hàng hoá, số lượng hàng tồn để dự báo sản lượng sản xuất hoặc nhập về.

“Một trong những khó khăn lớn của hệ thống phân phối tại Việt Nam là doanh nghiệp không nắm rõ được lượng hàng còn tồn ở các kênh phân phối. Nếu có một sàn giao dịch B2B thì doanh nghiệp sẽ nắm rất rõ hàng hoá đang ở kênh nào, số lượng bao nhiêu, để từ đó đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp”, ông Minh nhấn mạnh.

Không chỉ vậy, khi hàng hoá được đưa lên sàn giao dịch, doanh nghiệp sẽ tinh giản bộ máy phân phối, giúp tự động hoá các quy trình đặt hàng. Sàn thương mại dành cho doanh nghiệp sẽ góp phần thay đổi cách vận hành kênh phân phối truyền thống như hiện nay.

{keywords}
Đại diện Avetti Commerce Corporation (trái) và AKA Digital ký hợp tác phân phối giải pháp sàn giao dịch B2B tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh Long – CEO của AKA Digital - đánh giá kênh phân phối hiện nay tại Việt Nam đang tốn nhiều nhân lực cho bộ phận bán hàng, nhân viên kinh doanh, nhân viên tổng đài,... nhưng nếu chuyển dịch lên mô hình sàn B2B sẽ tinh giản bộ máy hơn. Doanh nghiệp lúc này chỉ cần tập trung và công việc sản xuất và vận hành.

Thêm vào đó, mô hình sàn giao dịch giúp các doanh nghiệp nằm trong một hệ sinh thái có thể chia sẻ khách hàng cùng nhau, giúp gia tăng doanh thu. Chẳng hạn, một hãng sản xuất sữa có thể kết hợp với nhà phân phối thức ăn dặm hay công ty tã, bỉm,... để tạo một kênh bán toàn dải sản phẩm. Khách hàng như nhà bán lẻ sẽ chỉ cần lên một sàn giao dịch để mua đầy đủ hàng hoá cần thiết.

Ngoài ra, theo ông Minh, mở sàn giao dịch giúp doanh nghiệp hay các nhà phân phối tiếp cận được tệp khách hàng rộng hơn vì khách hàng có thể truy cập bất kỳ đâu. Việc đưa hàng hoá lên mạng cũng giúp doanh nghiệp Việt gia tăng cơ hội bán hàng toàn cầu.

Trên thực tế, đại diện Avetti cho biết ở một số nước Đông Nam Á, các tổ chức như hiệp hội ngành nghề cũng xây dựng nền tảng thương mại điện tử để quảng bá hàng hoá trong các lĩnh vực của họ, nhằm bán hàng ra toàn quốc lẫn trong khu vực. Có những địa phương cũng xây dựng sàn thương mại điện tử cho nông dân bán nông sản trên sàn, nhằm tiết giảm các khâu phân phối và đưa nông sản đi khắp nơi.

Hải Đăng

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử: Nhu cầu lớn tạo ra làn sóng mới

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử: Nhu cầu lớn tạo ra làn sóng mới

Nhiều địa phương như Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bắc Kạn… đã chuẩn bị sẵn sàng phương án tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử  (TMĐT) khi nông sản bắt đầu vào vụ.