Theo số liệu thống kê, Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã tiếp nhận và xử lý 1.261 khiếu nại có nội dung liên quan tới lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong năm 2021. Số lượng khiếu nại giảm 12% so với 2020, nhưng so với năm 2019 và 2018, số vụ việc tiếp nhận trong năm 2021 vẫn tăng lần lượt khoảng 122% và 185%.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn, chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ đứt gãy dẫn đến phát sinh tỷ lệ tranh chấp tiêu dùng nhiều hơn. Theo đó, gần 75% phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến các tranh chấp hoặc vấn đề phát sinh trong lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng đường hàng không; thương mại điện tử; dịch vụ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng; điện tử gia dụng; điện thoại, viễn thông; dịch vụ vận tải (giao hàng…)

{keywords}
Tỷ lệ khiếu nại trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng chiếm 12,5%. (Ảnh minh họa)

Giao dịch mua sắm trực tuyến gia tăng đột biến, trong khi các dịch vụ trung gian phục vụ thương mại điện tử như vận chuyển, kho bãi, kiểm kê... chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường. Điều đó làm phát sinh nhiều tranh chấp tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Năm 2021, thương mại điện tử đứng thứ 2 về số lượng phản ánh của người tiêu dùng, chiếm tỷ lệ 15,4%. Trong đó, nội dung phản ánh chủ yếu thường liên quan đến việc chậm giao hàng, giao hàng không đúng số lượng, chất lượng so với đơn hàng đã đặt; giao hàng đã bị hỏng.

Khoảng 44,3% phản ánh về tình trạng thiếu hợp tác hoặc chậm trễ trong việc hỗ trợ hoàn tiền cho người tiêu dùng đối với các đơn hàng đã hủy; chậm trễ giao đơn hàng đã đặt...

Theo cơ quan quản lý cạnh tranh, tỷ lệ khiếu nại về tín dụng tiêu dùng đã tăng lên so với những năm trước, chiếm tỷ lệ 12,5%, đứng thứ 3 trong số các lĩnh vực.

Tín dụng tiêu dùng thời gian qua có sự tăng trưởng tương đối mạnh tại Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố lớn. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cho biết, việc cho vay tiêu dùng khá dễ dàng có thể dẫn đến phát sinh nhiều khoản nợ xấu. Giữa bối cảnh đại dịch bùng phát, nhiều cá nhân vay tiêu dùng bị mất việc làm, bị giảm tiền lương, giảm mức thu nhập nên khó khăn về tài chính hoặc mất khả năng thanh toán các khoản nợ.

Việc các ngân hàng, tổ chức tín dụng tự làm hoặc thông qua đối tác áp dụng biện pháp thu hồi nợ, trong đó có phương thức gọi điện tới các số điện thoại tham chiếu của khách hàng vay tiêu dùng gây ra nhiều phiền toái cho những người chưa từng phát sinh khoản nợ với ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Duy Vũ

Làm rõ quy định sàn TMĐT nộp thuế thay cá nhân để tránh bảo hộ ngược

Làm rõ quy định sàn TMĐT nộp thuế thay cá nhân để tránh bảo hộ ngược

Một số ý kiến cho rằng, cần làm rõ hơn các quy định sàn TMĐT phải nộp thuế thay cá nhân để tránh tình trạng không cân xứng giữa sàn TMĐT và mạng xã hội, cũng như việc bảo hộ ngược.