Khi công nghệ 5G dần trở thành nền tảng cho kỷ nguyên số, Việt Nam đang nỗ lực để bắt kịp xu thế này. Tuy nhiên, việc triển khai 5G không chỉ là câu chuyện về hạ tầng hay công nghệ, mà cùng với đó còn nhiều thách thức lớn.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Thương mại hóa 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh”, do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone cho hay, Việt Nam có rất nhiều cơ hội với 5G, nhưng thách thức cũng rất lớn.

Thách thức đầu tiên là khung pháp lý, chúng ta chưa có các cơ sở pháp lý đầy đủ, tiêu chuẩn cũng chưa có.

Nhập thiết bị hãng nào? Về có phát sóng được không? Có gây nhiễu thiết bị khác không? Rất nhiều vấn đề…”, ông Huy nêu quan điểm.

Theo ông Huy: “Muốn phát triển 5G phải có 4.0, thế nhưng phải có 1.0, 2.0, 3.0 trước đã. Ý tôi là cơ sở hạ tầng chưa theo kịp. Drone làm sao triển khai được khi dây điện chằng chịt; đường Hà Nội làm sao đi được xe tự lái?”.

5G Nguyen Tuan Huy Mobi 2.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone. Ảnh: Lê Anh Dũng

Việc phủ sóng 5G đòi hỏi số lượng trạm phải rất lớn. Điều này dẫn đến các thách thức ở mặt đầu tư, khi Việt Nam cần phải có cả trăm nghìn trạm phát sóng BTS mới phủ sóng được 5G.

Số tiền đầu tư cho 1 trạm BTS 5G là rất lớn, trong khi đó, mức độ hiểu biết, chấp nhận 5G ở xã hội Việt Nam lại chưa cao. Thách thức cuối cùng là vấn đề an ninh mạng khi 5G triển khai sẽ hình thành số lượng kết nối IoT rất lớn.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó ban Công nghệ Tập đoàn VNPT, tại châu Âu, khi thí điểm 5G, kết quả mang lại cho các cảng biển, nhà máy thông minh rất rõ ràng.

Công nghệ 5G giúp cải thiện hiệu suất, hiệu quả hoạt động, giảm thiểu nhân công, giải quyết các bài toán về môi trường, mang lại lợi ích cho xã hội.

Công nghệ 5G đã cho thấy các giá trị và lợi ích rõ rệt, tuy nhiên, việc triển khai 5G có thành công hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

Người dùng 5G sẽ được hưởng chất lượng vượt trội về tốc độ, độ trễ, dung lượng, thế nhưng khách hàng lại chưa sẵn sàng chi trả. Khảo sát toàn cầu cho thấy, doanh thu mà 5G đem lại còn khiêm tốn”, ông Khánh nói.

Đại diện VNPT cho rằng, thách thức lớn nhất khi triển khai 5G là khách hàng tổ chức, doanh nghiệp phải thay đổi toàn bộ phương thức sản xuất kinh doanh, đầu tư nhiều hơn, chấp nhận chuyển đổi số là hành trình dài hơi, nhà mạng phải hiểu biết và đồng hành nhiều hơn.

Đây là thách thức quyết định việc triển khai công nghệ mới như 5G trong hoạt động chuyển đổi số của từng doanh nghiệp.

Bên cạnh những khó khăn, việc triển khai 5G tại Việt Nam cũng có những thuận lợi. Là đơn vị đi đầu trong việc thương mại hóa 5G, ông Lê Bá Tân, Trưởng ban kỹ thuật Tập đoàn Viettel cho rằng, ở góc nhìn của Viettel, Việt Nam cũng hội tụ nhiều thuận lợi cho việc triển khai 5G

Đặc biệt, Bộ TT&TT đã chính thức công bố chuẩn bị cho việc đấu giá băng tần 700 MHz. Băng tần này được cấp cho nhà mạng sẽ giúp nâng cao vùng phủ sóng, nhất là vùng sâu vùng xa.

Khi kết hợp cả băng tần thấp và băng tần cao, công nghệ 5G sẽ phát huy hiệu quả mạng lưới, tiết kiệm nhiều chi phí.

5G Thu truong Le Nam Thang.jpg
Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Theo ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, khi triển khai công nghệ mạng di động mới, cần quan tâm tới 4 yếu tố gồm mạng lưới, thiết bị đầu cuối, ứng dụng và con người.

Mạng lưới viễn thông hiện đã được các doanh nghiệp triển khai. Với thiết bị đầu cuối 5G, phải xem cụ thể ở Việt Nam thiết bị đầu cuối cho 5G là loại nào; dùng cho đối tượng nào; giá cả bao nhiêu?

Các doanh nghiệp viễn thông di động cần nghiên cứu kỹ để triển khai mạng lưới 5G đồng bộ với thiết bị đầu cuối. Điều này cũng giống khi làm đường, nếu có đường nhưng không có ô tô chạy thì rất lãng phí”, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ.

Với doanh nghiệp, ông Lê Nam Thắng cho rằng, nhà mạng phải triển khai hạ tầng 5G đi kèm với phát triển thiết bị đầu cuối, ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực. Việc thương mại hóa phải có bước đi phù hợp, đồng bộ giữa các yếu tố với nhau.

Cách làm là các doanh nghiệp phải đưa ra các giải pháp trọn gói, không phải chỉ phủ sóng mạng lưới mà đưa ra thiết bị mạng lưới, cung cấp ứng dụng, giải pháp, đào tạo nguồn lực.

Đây là điều khác biệt với thời 3G, khi nhà mạng xây mạng lưới, người dân tự mua thiết bị dùng. Đây cũng chính là cơ hội giúp các doanh nghiệp viễn thông truyền thống chuyển mình thành doanh nghiệp công nghệ.