Vingroup ghi nhận doanh thu kỷ lục, tồn kho tăng
Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với doanh thu tăng 18% so với cùng kỳ và đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay: gần 41,2 nghìn tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt hơn 410 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 9.284 tỷ đồng.
Đây là kết quả kinh doanh khá ấn tượng trong bối cảnh thị trường bất động sản rất khó khăn, dòng tiền suy giảm đột ngột trong quý cuối cùng của năm 2022. Tín dụng cạn kiệt, thị trường trái phiếu gần như đóng băng, lãi suất tăng cao…
Sở dĩ doanh thu của Vingroup trong quý IV/2022 tăng mạnh và đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay là nhờ hoạt động nhượng bất động sản, đạt tới gần 29,2 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong quý IV/2022, Vingroup ghi nhận khoản doanh thu lớn đến từ các căn bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2 (The Empire). Đây là siêu dự án 1.200ha tại Hưng Yên, với khoảng 1.300 căn bất động sản thấp tầng, được phát triển thần tốc, được bán từ trước đó và cũng đã đóng góp chính vào kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2022.
Các mảng khác như cho thuê bất động sản đầu tư, dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí, y tế và giáo dục… phần lớn tăng so với cùng kỳ nhưng không đóng góp nhiều vào doanh thu, tổng cộng chỉ chiếm 29%.
Hoạt động sản xuất của Vingroup giảm 12% xuống còn 3.600 tỷ đồng. Việc dừng bán VinFast xe xăng có thể là nguyên nhân.
Chi phí bán hàng của Vingroup trong quý IV tăng mạnh, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính giảm.
Trong cả năm 2022, Vingroup đạt hơn 101,5 nghìn tỷ đồng, giảm 19% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế cả năm là gần 1.982, so với mức lỗ hơn 7.558 tỷ đồng trong năm 2021. Trong cả năm, chuyển nhượng bất động sản vẫn là mảng mang về doanh thu lớn nhất cho Vingroup. Cho thuê bất động sản mang về 8% tổng doanh thu, hơn 8.110 tỷ đồng.
Tới cuối 2022, Vingroup ghi nhận tài sản tăng 34% so với cùng kỳ. Tiền mặt cũng tăng khá mạnh lên hơn 28 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, hàng tồn kho cũng tăng mạnh thêm hơn 50 nghìn tỷ đồng lên hơn 103,7 nghìn tỷ đồng. Tổng nợ phải trả tăng 63% lên hơn 439 nghìn tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính là hơn 168 nghìn tỷ đồng.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang hơn 111 nghìn tỷ đồng, trong đó nằm ở dự án VinFast hơn 20 nghìn tỷ đồng; dự án Vinhomes Long Beach Cần Giờ đầu tư 12.980 tỷ đồng…
Vinhomes 'bùng nổ' sau đại dịch
Trong quý IV/2022, CTCP Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất tăng 34% so với cùng kỳ lên gần 32 nghìn tỷ đồng, nhờ bàn giao thêm 2.200 căn bất động sản thấp tầng tại đại dự án Vinhomes Ocean Park 2.
Lợi nhuận sau thuế đạt 8.952 tỷ đồng, giảm so với mức 11.703 tỷ đồng trong quý IV/2021.
Trong cả năm 2022, Vinhomes ghi nhận doanh thu gần 62,4 nghìn tỷ đồng, giảm khá mạnh so với mức gần 85 nghìn tỷ đồng trong năm 2021. Lợi nhuận sau thuế 2022 đạt hơn 28,6 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với mức hơn 38,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2021.
Theo Vinhomes, giá trị hợp đồng ký mới trong năm 2022 đạt kỷ lục hơn 128 nghìn tỷ đồng nhờ sự hồi phục sau đại dịch.
Theo báo cáo tài chính, tài sản của Vinhomes tới cuối năm 2022 tăng mạnh lên 185,2 nghìn tỷ đồng, so với mức 94,4 nghìn tỷ đồng cuối 2021. Tuy nhiên, hàng tồn kho tăng vọt từ gần 28,6 nghìn tỷ đồng lên trên 65,8 nghìn tỷ đồng.
Vincom Retail báo lợi nhuận 2022 tăng gấp đôi
CTCP Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận doanh thu quý IV/2022 tăng khá mạnh, từ mức 1.367 tỷ đồng cùng kỳ lên 2.084 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 6,5 lần lên gần 791 tỷ đồng.
Tính trong cả năm 2022, doanh thu của Vincom Retail đạt 7.309 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.736 tỷ đồng, tăng mạnh gấp đôi so với mức 1.315 tỷ đồng trong năm trước.
Trong năm 2022, Vincom Retail mở mới 3 trung tâm thương mại: Vincom Mega Mall Smart City (Hà Nội), Vincom Plaza Mỹ Tho, Vincom Plaza Trần Huỳnh, Bạc Liêu, nâng tổng số trung tâm thương mại lên con số 83, và đã phủ 44 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Cổ phiếu hồi phục, ông Phạm Nhật Vượng có thêm 400 triệu USD
Ngay đầu năm mới Quý Mão, nhiều cổ phiếu, trong đó có nhóm VIC, VHM và VRE của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng mạnh. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thêm 400 triệu USD so với đầu năm. Tính tới ngày 27/1, theo Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng có khối tài sản trị giá 4,5 tỷ USD.
Nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng giá ấn tượng và là trụ đỡ cho thị trường chứng khoán. Trong phiên 27/1, cổ phiếu Vingroup (VIC) tăng 1.800 đồng lên 59.200 đồng/cp. Vinhomes (VHM) tăng 1.100 đồng lên 53.300 đồng/cp. Vincom Retail (VRE) tăng 650 đồng lên 30.300 đồng/cp.
Theo Bloomberg, VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thể chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sớm trong những tháng đầu năm 2022 và huy động tối thiểu 1 tỷ USD.
Trước đó, ông Phạm Nhật Vượng được kỳ vọng có thể sớm lọt top 40 người giàu nhất trên thế giới nếu thương vụ phát hành cổ phiếu VinFast IPO và niêm yết tại Mỹ thành công. Với ước tính trước đó, nếu VinFast IPO thành công tại Mỹ với định giá 60 tỷ USD như kỳ vọng, ông Vượng sẽ có thêm hàng chục tỷ USD.