Hồi tháng 2, chia sẻ trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), ông Linas Linkevicius, Đại sứ Lithuania tại Thụy Điển, cảnh báo “nếu Nga dám thách thức NATO, Kaliningrad sẽ bị ‘vô hiệu hóa’ trước tiên”. Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bác bỏ bình luận này, và mô tả đây là "cuộc chiến thông tin".
Hôm 7/3, Thụy Điển đã chính thức trở thành thành viên thứ 32 của NATO, sau 18 tháng Hungary trì hoãn phê chuẩn đơn xin gia nhập của Stockholm vào liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu. Theo giới chuyên gia, với việc Thụy Điển chính thức gia nhập NATO, các thành phố và tài sản quân sự quan trọng của Nga sẽ nằm trong phạm vi tấn công gần hơn của NATO.
Các nhà hoạch định NATO từ lâu đã coi sườn phía đông bắc của liên minh bao gồm các quốc gia Baltic như Lithuania, Estonia và Latvia là điểm yếu. Vùng đất này từng thuộc Liên Xô cũ. Theo nhiều nhà phân tích, Nga từ lâu đã muốn đưa khu vực này trở lại sự kiểm soát của Moscow.
Trong các tài liệu bị rò rỉ vào tháng 1, giới chuyên gia quân sự Đức đã tính tới kịch bản Nga giành chiến thắng trong xung đột ở Ukraine, và sau đó tấn công các thành viên vùng Baltic của NATO.
Theo kịch bản, Nga có thể khuấy động tình trạng bất ổn, và sau đó điều quân vào Suwalki Gap (Khoảng trống Suwalki hay Hành lang Suwalki), một dải đất hẹp dài 60km nối vùng Kaliningrad của Nga trên Biển Baltic với Belarus, đồng minh thân cận của Moscow. Hành động này sẽ tách các thành viên của NATO ở vùng Baltic khỏi phần còn lại của châu Âu, và khiến họ phải đối mặt với các cuộc tấn công tiếp theo của Nga.
Thách thức mới với Nga
Tuy nhiên, việc Thụy Điển chính thức gia nhập NATO đã giúp liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu có thêm nhiều cách để ngăn Nga tấn công vùng Baltic.
Chia sẻ với tờ Business Insider, ông Nima Khorrami, nhà phân tích tại Viện Bắc Cực, nhận định tư cách thành viên của Thụy Điển đang "mở rộng phạm vi hoạt động của tên lửa NATO, đưa các địa điểm chiến lược ở Kaliningrad và St. Petersburg của Nga vào tầm ngắm".
“Điểu này sẽ bổ sung thêm một lớp răn đe để ngăn chặn sự tấn công tiềm tàng của Nga, do các lực lượng NATO có thể phản ứng hiệu quả trước những mối đe dọa theo thời gian thực”, ông Khorrami cho hay.
St. Petersburg là thành phố thứ 2 của Nga, và là nơi tọa lạc của căn cứ Hạm đội Baltic của Nga.
Trong khi đó, Kaliningrad giúp Nga triển khai sức mạnh vào khu vực Baltic bao gồm các hệ thống phòng không, các đơn vị tác chiến điện tử, và tên lửa hành trình. Kaliningrad có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Nga nhằm tấn công vào Khoảng trống Suwalki, và các quốc gia vùng Baltic.
Nhà nghiên cứu Oscar Jonsson tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển cho hay, “làm suy yếu tài sản quân sự ở Kaliningrad là điều rất quan trọng đối với các hoạt động của NATO".
"Thụy Điển đóng vai trò quan trọng tiếp nhận quân đội, và năng lực của NATO một cách an toàn, và khó bị lực lượng Nga nhắm tới, trong khi Thụy Điển đủ gần Kaliningrad để triển khai các cuộc tấn công chính xác tầm xa. Thụy Điển cách Kaliningrad 280km, và đây là khoảng cách lý tưởng," ông Jonsson nói.
Theo báo cáo mới của cơ quan tình báo Lithuania, Nga đang đáp trả sự hiện diện mới và mở rộng của NATO ở vùng Baltic bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, và đặt tên lửa Iskander có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân ở Belarus.
Từ lâu, Nga cáo buộc NATO đang tìm cách bao vây nước này. Tổng thống Vladimir Putin từng khẳng định việc NATO mở rộng hoạt động là một phần lý do Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Với việc Thụy Điển trở thành thành viên mới nhất của NATO, Nga có thể đã đặt quân đội nước này rơi vào thế bất lợi nghiêm trọng tại khu vực trọng điểm. “Những cáo buộc trước đây của Nga cho rằng nước này bị NATO bao vây lại đang trở thành hiện thực”, ông Linkevicius cho hay.