
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình khóa 20, kỳ thứ 42 đã ban hành Nghị quyết số 11 về Đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Trong đó, Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình thống nhất Đề án, phương án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.
Hưng Yên là tỉnh đồng bằng, không có rừng, núi và biển; nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Với vị trí tiếp giáp 5 tỉnh, thành như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, cùng hệ thống giao thông thuỷ, bộ đa dạng giúp Hưng Yên có điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, logistics và hạ tầng liên vùng.
Trong khi đó, Thái Bình nổi bật với thế mạnh kinh tế biển. Tỉnh này nằm ở khu vực vùng duyên hải Bắc Bộ, có khoảng 52km bờ biển và 5 cửa sông lớn đổ ra biển tạo ra vùng bãi triều trên 16.000ha, qua đó tạo ra nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển; thuận lợi để có thể khai thác lấn biển, mở rộng không gian phát triển thực hiện các dự án đô thị, du lịch, thương mại, công nghiệp.
Ngày 18/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về dự thảo đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình; dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của 2 tỉnh.
Theo lãnh đạo 2 tỉnh, việc hợp nhất là bước đi tất yếu trong bối cảnh phát triển hiện nay.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh: Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Hưng Yên và Thái Bình đã có sự gắn bó chặt chẽ với nhau cũng như có nhiều nét tương đồng về văn hóa, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý… Trong công cuộc đổi mới, 2 tỉnh đều có những tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội để bổ trợ cho nhau.
Việc hợp nhất sẽ phát huy được những tiềm năng, thế mạnh, cộng hưởng và giao thoa các thành tựu đã đạt được, tạo ra một không gian phát triển liên hoàn, kết nối tốt hơn. Đồng thời, khắc phục hạn chế về quy mô và nguồn lực khi còn là các đơn vị hành chính riêng lẻ; triển khai thực hiện những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng trong thời gian tới.
Ngày 22/4, 2 tỉnh Thái Bình, Hưng Yên sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh; đề án hợp nhất tỉnh Thái Bình và tỉnh Hưng Yên.
Hình thành tỉnh mới có quy mô kinh tế lớn
Hưng Yên và Thái Bình có hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng và kết nối vùng thuận lợi.
Hưng Yên nằm trên các trục giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, quốc lộ 5, quốc lộ 39, đường sắt và các tuyến đường thủy nội địa, tạo lợi thế đặc biệt trong kết nối vùng và vận chuyển hàng hóa. Những năm qua, nhờ vị trí địa lý trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và hạ tầng ngày càng hoàn thiện, Hưng Yên đã thu hút mạnh dòng vốn FDI, đặc biệt vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến – chế tạo.
Năm 2024, Hưng Yên thu hút vốn đầu tư đạt kỷ lục, nhất là vốn đầu tư FDI.
Tính đến hết năm 2024, tỉnh có 2.371 dự án; trong đó, có 1.755 dự án trong nước và 616 dự án nước ngoài, có tổng vốn đăng ký hơn 370.000 tỷ đồng và hơn 8,5 tỷ USD.
Tỉnh có 17 khu công nghiệp đã được quy hoạch, với tổng diện tích khoảng 4.395ha; trong đó, có 10 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Các khu công nghiệp đã cho thuê khoảng 2.596ha đất để triển khai các dự án đầu tư.
Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,7%, quy mô nền kinh tế đạt 159.844 tỷ đồng.
Hưng Yên được định hướng, đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Là thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là trung tâm kết nối giữa các địa phương trong vùng và cả nước.
Còn Thái Bình kết nối liên vùng qua các tuyến quốc lộ 10, quốc lộ 39B, đường ven biển, có 5 cửa sông lớn và hệ thống cảng nội địa, thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, logistics và công nghiệp.
Chính từ những lợi thế địa lý và điều kiện tự nhiên đặc thù, Thái Bình đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu kinh tế Thái Bình với diện tích lên tới 30.583ha, đã và đang thu hút được rất nhiều nhà đầu tư lớn.
Đây là 1 trong 16 khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia, được định hướng trở thành trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng, đô thị, dịch vụ và kinh tế biển. Khu công nghiệp Liên Hà Thái trong khu kinh tế Thái Bình hiện được coi là khu công nghiệp tiên phong trong thu hút đầu tư.

Năm 2024, GRDP trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 71.300 tỷ đồng, tăng 7,01% so với cùng kỳ năm 2023; quy mô kinh tế đạt trên 132.700 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt trên 43.177 tỷ đồng; trong đó có 199 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng số vốn đăng ký trên 30.100 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh thu hút vốn đầu tư FDI đạt 1,16 tỷ USD, đứng thứ 12 cả nước, là năm thứ 2 liên tiếp vốn FDI của tỉnh Thái Bình đạt trên 1 tỷ USD.
Theo dự thảo đề án hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, sau hợp nhất 2 tỉnh, tỉnh Hưng Yên mới có diện tích tự nhiên trên 2.514km2, quy mô dân số trên 3,56 triệu người, dự kiến có 104 đơn vị hành chính cấp xã.
Việc hợp nhất tỉnh Thái Bình và Hưng Yên sẽ hình thành tỉnh mới có quy mô kinh tế lớn của vùng đồng bằng sông Hồng với sự kết hợp giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ và kinh tế ven biển, du lịch; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, quỹ đất phát triển gắn với lợi thế về kết nối liên vùng, giao thương nội địa và phát triển du lịch văn hoá, sinh thái, nông nghiệp.
