Đi cùng bệnh nhân là một nhân viên spa, người trực tiếp tiêm filler nâng mũi cho chị.
Bệnh nhân tâm sự, chị muốn chỉnh sửa cho mũi cao hơn nên được người quen giới thiệu đến spa gần nhà. Nhân viên spa tư vấn nên tiêm filler trước, nếu không hợp có thể thực hiện nâng mũi sau. Bệnh nhân đã đồng ý tiêm filler với giá là 800.000đ/ 1cc.
Trong quá trình tiêm, chị thấy đau và tê vùng quanh mũi miệng nhưng được nhân viên trấn an rằng đó là biểu hiện bình thường. Tuy nhiên sau 2 ngày, tình trạng trên vẫn không khỏi, da chị xuất hiện phỏng rộp và nổi mụn, thấm dịch nhiều hơn. Do sợ hãi, chị quyết định đến bệnh viện để chữa trị.
Ths.BS Hoàng Mạnh Ninh, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ , Bệnh viện Bưu điện cho biết qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng, hoại tử da vùng mũi do tiêm chất làm đầy. “May mắn là mắt của người bệnh không bị ảnh hưởng, tuy nhiên, việc điều trị hoại tử da cũng mất khá nhiều thời gian”, ThS Ninh thông tin.
Các bác sĩ đã chỉ định tiêm thuốc giải nhằm làm tan filler. Sau đó, tiến hành điều trị kháng sinh chống bội nhiễm, điều trị kháng viêm tại chỗ, giảm sưng nề, dự kiến sau khi vết thương tạo thành sẹo sẽ làm laser để hồi phục da. “Phần hoại tử không phải là một mảng để có thể cắt đi mà là những mảng rải rác trên da. Quá trình điều trị có thể phải kéo dài đến 2, 3 tháng để bệnh nhân hồi phục”, ThS Ninh thông tin.
Được biết, nếu nhập viện muộn hơn, tình trạng nhiễm trùng sẽ tăng lên, các tổ chức hoại tử lan rộng hơn gây sưng nề, đau đớn do loét.
Theo ThS Ninh, nữ bệnh nhân 39 tuổi nói trên là một trong khá nhiều trường hợp gặp biến chứng sau tiêm filler mà các bác sĩ Bệnh viện Bưu điện đã tiếp nhận điều trị gần đây. ThS nhấn mạnh, việc tiêm filler, đặc biệt là tiêm filler vào vùng mũi có rất nhiều nguy cơ gây biến chứng. Trong đó, hoại tử, nhiễm trùng da chỉ là biến chứng nhẹ. Biến chứng nặng nề hơn là mù mắt. Với những trường hợp gặp biến chứng mù mắt, số cứu được “chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Chưa kể, nếu chất làm đầy đã tiêm vào cơ thể là loại trôi nổi, kém chất lượng thì việc tiêm thuốc giải có thể không hiệu quả, gây những hệ lụy đáng tiếc cho sức khỏe.
ThS Ninh nhấn mạnh, chất làm đầy khi tiêm vào những bộ phận khác của cơ thể như má, môi, nguy cơ tai biến sẽ ít hơn. Với tiêm filler mũi, nguy cơ tai biến khá cao, kể cả khi người thực hiện là bác sĩ có tay nghề vẫn tiềm ẩn tất cả rủi ro. Hiện trên thế giới, khi làm thẩm mỹ mũi, người ta vẫn ưu tiên hàng đầu cho nâng mũi bằng chất liệu sụn thay vì tiêm filler.
Đa số các ca tai biến sau tiêm filler thường tâm sự, họ quyết định tiêm tại các spa, cơ sở thẩm mỹ chui vì được người quen giới thiệu, vì ham rẻ hoặc nhìn thấy các quảng cáo “long lanh” của spa trên mạng xã hội. Một số khác là tự tiêm cho nhau, tiêm bởi những “người tiêm dạo”, mang filler tới tận phòng để tiêm.
Ths.BS Hoàng Mạnh Ninh khuyến cáo, để tránh gặp biến chứng sau tiêm filler, khi có nhu cầu làm đẹp, muốn tiêm filler, botox, chị em nên lựa chọn những cơ sở uy tín, đã được cấp phép. Đại đa số những nơi này, sản phẩm được sử dụng sẽ từ các hãng thương hiệu lớn, rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, người thực hiện tiêm filler phải là bác sĩ có bằng cấp, được đào tạo về tạo hình thẩm mỹ. Trang thiết bị tại cơ sở thẩm mỹ cũng cần được trang bị đầy đủ để đảm bảo an toàn.
ThS cũng lưu ý, không nên tiêm quá nhiều chất làm đầy vào các vị trí của cơ thể cùng một lúc, bởi sẽ tăng nguy hiểm, rủi ro.
Trường hợp không may xảy ra tai biến sau tiêm filler, cần ngay lập tức đến cơ sở y tế có đầy đủ các chuyên khoa để triển khai cấp cứu nhanh nhất có thể. Đặc biệt, với biến chứng mù mắt, cần đến thẳng bệnh viện lớn, có chụp mạch, can thiệp mạch, cố gắng không bỏ lỡ “thời điểm vàng” sẽ tăng thêm hy vọng cứu chữa.
Nguyễn Liên