Tang lễ nhà thơ, họa sĩ NSND Lê Huy Quang bắt đầu từ 8h sáng ngày 24/8. Lễ truy điệu diễn ra từ 10h cùng ngày. Đông đảo bạn bè văn giới, nghệ sĩ đến chia buồn cùng gia quyến và nói lời tiễn biệt nghệ sĩ.
Họa sĩ, nhà thơ, NSND Lê Huy Quang đột ngột qua đời đêm 21/8, hưởng thọ 77 tuổi. NSND Lê Huy Quang sinh năm 1947 tại Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp lớp Trung cấp và Cao đẳng Mỹ thuật trường Nghệ thuật Hà Nội khóa 1966-1973. NSND Lê Huy Quang tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh năm 1982.
Từ năm 1976, ông làm báo tại Tạp chí Sân khấu, đồng thời trở thành họa sĩ thiết kế mỹ thuật Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ông đảm nhiệm vai trò thiết kế mỹ thuật cho hơn 300 vở diễn cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu trong cả nước.
Bên cạnh mỹ thuật, NSND Lê Huy Quang khẳng định tài năng ở lĩnh vực thơ ca. 108 bài thơ, tập hợp sáng tác của ông từ năm 1968-2008 được đặt tên Phải khác. Cái tên bày tỏ quan điểm sống, quan niệm nghệ thuật của ông.
Lễ tang NSND Lê Huy Quang được tổ chức sáng ngày 24/8 tại Nhà tang lễ Quốc gia (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Ảnh: Lê Đại Chức. |
NSND Lê Huy Quang đạt nhiều giải thưởng về hội họa, bìa sách, đồ họa, trang trí sân khấu và thơ. Ông nổi tiếng với những tác phẩm thơ như Ảo ảnh đồng quê, Ký ức tuổi thơ, Phố sau mưa...
Đặc biệt, ông sở hữu hơn 20 Huy chương Vàng, Bạc tại các Hội diễn sân khấu toàn quốc. Tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp năm 2010, NSND Lê Huy Quang đoạt giải Họa sĩ xuất sắc nhất cho thiết kế mỹ thuật của vở Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ (Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế)
Đông đảo người thân, đồng nghiệp, hậu bối nhà thơ, họa sĩ Lê Huy Quang có mặt từ sớm để tiễn đưa người nghệ sĩ tài hoa. Ảnh: Lê Đại Chức. |
Nhà thơ, họa sĩ Lê Huy Quang được nhớ đến với phong cách suốt đời chỉ đi guốc mộc, đeo nhẫn bạc, vòng bạc. Ông thường thích mặc hai màu đỏ đen. Nhớ về nhà thơ, hoạ sĩ Lê Huy Quang, nhà thơ Trần Chấn Uy cho biết từng có dịp gặp NSND Lê Huy Quang vào thập niên 1980 của thế kỷ trước khi ông vào Nha Trang thiết kế sân khấu cho vở kịch nổi tiếng một thời Ông không phải là bố tôi của tác giả Lưu Quang Vũ.
“Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh khá thú vị. Anh mặc áo chàm, đi guốc mộc, tóc dài đến vai, ăn nói rất bỗ bã, giọng Bắc oang oang. Anh Quang là vậy, ngang tàng, bỗ bã, nhiều khi bặm trợn nhưng cả đời không hại ai, sống hào sảng, chân tình và nghĩa khí”, nhà thơ Trần Chấn Uy kể.
Giờ đây mỗi lần về Hà Nội, nhà thơ Trần Chấn Uy nhận thấy “thiêu thiếu” sự phong trần, ngang ngạnh, bỗ bã của Hà Tĩnh giữa Thủ đô Hà Nội.
NSƯT Lê Chức đọc điếu văn tiễn đưa nhà thơ, họa sĩ, NSND Lê Huy Quang. Ảnh: Lê Đại Chức. |
Nhận tin NSND Lê Huy Quang qua đời, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều sững sờ. "Hình ảnh nhà thơ Lê Huy Quang hiện ra với mái tóc dài và đi đôi guốc mộc kể cả những ngày giá lạnh của mùa đông. Và nhà thơ đi guốc mộc rất nhà quê ấy lại là một người phá phách trong thơ ca từ những năm đầu tiên của đổi mới", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng người khen Lê Huy Quang cũng đông và người phê phán ông cũng không ít. Nhưng ông chẳng để ý gì, cứ "thủng thẳng đi qua đời sống này bằng một đôi guốc mộc và rồi đi thẳng tới thiên đường". Sáng 24/8, Nguyễn Quang Thiều đại diện cho Hội Nhà văn Việt Nam sớm có mặt để tiễn biệt NSND Lê Huy Quang.
NSND Trịnh Thuý Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - khẳng định nền nghệ thuật sân khấu thật đau buồn khi lại vừa mất đi một nghệ sĩ tâm tài, có nhiều cống hiến về lĩnh vực đào tạo và thiết kế mỹ thuật. “Mong anh thật thanh thản bay về miền cực lạc để tan đi những cơn đau mà anh vẫn giấu bạn bè và người thân để chịu đựng một mình”, NSND Trịnh Thuý Mùi chia sẻ.
Trong điếu văn tiễn biệt họa sĩ, nhà thơ, NSND Lê Huy Quang, NSƯT Lê Chức khẳng định Lê Huy Quang là con người của công việc. “Ông chưa nghỉ bao giờ, cho đến khi ra đi với vai trò và trách nhiệm cuối cùng là Thư ký Tòa soạn Tạp chí Âm nhạc Việt Nam”, NSƯT Lê Chức nêu.
NSƯT Lê Chức cho rằng NSND Lê Huy Quang đã có một cuộc đời với nhiều công việc và trách nhiệm khác nhau, nhưng đều được ông thực thi với thái độ nghiêm túc, trách nhiệm.
“Lê Huy Quang được yêu mến và tôn trọng, do vậy khi chúng ta không còn người nghệ sĩ riêng biệt cùng cá tính gồ ghề mạnh mẽ nhưng sâu nặng tính nhân văn, chúng ta sẽ hẫng hụt rất nhiều. Lê Huy Quang sẽ đi về nơi vĩnh hằng ấy để thoát ra khỏi những cơn đau nhức bệnh tật để rồi lại vẽ, lại làm thơ, lại sống một lần nữa trong một thế giới khác”, NSƯT Lê Chức nói lời tiễn biệt.
Lễ truy điệu nhà thơ, họa sĩ, NSND Lê Huy Quang bắt đầu lúc 10h sáng ngày 24/8. Ông được an táng nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hoà Bình).
(Theo Tiền Phong)