Bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, Tiền Giang đang phải đối mặt với nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường, phát thải thông qua các hoạt động sinh hoạt; xây dựng, đặc biệt là công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Với mục tiêu đảm bảo việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh, cuối năm 2023 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 544/KH-UBND triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Mục tiêu nhằm đảm bảo trong năm 2024, tất cả các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn đều ban hành chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, tập kết, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương… Năm 2025 và các năm tiếp theo đảm bảo 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định. Bên cạnh đó, các địa phương phải kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới và đội ngũ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ cấp huyện đến cấp xã; đồng thời phối hợp với các cơ sở thu gom, vận chuyển cải tạo nâng cấp phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu theo quy định và đảm bảo thu gom, vận chuyển các loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại, đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
Kế hoạch đặt ra các nhiệm vụ cần triển khai là tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến mọi đối tượng bao gồm: Lực lượng làm công tác bảo vệ môi trường các cấp, nhất là cấp huyện và cấp xã; thành viên Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh; học sinh các cấp, nhất là cấp tiểu học và trung học cơ sở; Các cơ sở tham gia vào hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng các hình thức như: tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại; loa phát thanh của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; tuyên truyền thông qua các hoạt động tập huấn trực tiếp/trực tuyến, các buổi họp, các buổi nói chuyện, tọa đàm...
Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo 3 nhóm: Nhóm 1: Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế, gồm: giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thuỷ tinh thải, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện, điện tử thải bỏ; Nhóm 2: Nhóm chất thải thực phẩm, gồm: thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn; các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản.…; Nhóm 3: Nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác, gồm: chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh, chất thải khác còn lại.
Các loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại được chứa đựng trong các bao bì/thùng chứa với màu sắc khác nhau để dễ nhận dạng trong quá trình thu gom, vận chuyển gồm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác; Chất thải nguy hại; Chất thải rắn cồng kềnh…
Địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương quyết định phương án thu gom phù hợp và có những giải pháp điều chỉnh kịp thời, đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại tại địa phương đạt hiệu quả, tiết kiệm và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường…