“Không gian ở đây chẳng thể bằng ở nhà, nhưng trong hoàn cảnh này, vợ chồng được gặp nhau thì còn gì bằng” - chị Nga cười e thẹn…
Những ngày cuối tuần, hầu hết các buồng đều kín người. Trung bình mỗi tháng, có từ 400 - 500 cặp vợ chồng được gặp nhau tại những căn phòng này. Buồng hạnh phúc là liều thuốc và sợi dây cứu vãn, kết nối những cuộc tình rạn vỡ khi vợ chồng phải sống cảnh kẻ trong song sắt, người ngoài trại giam…
Nơi giữ lửa hôn nhân
Dường như, trong hoàn cảnh trắc trở, éo le, con người ta càng biết trân trọng hơn những khoảnh khắc yêu thương vợ chồng. Ở nơi những con người tội lỗi đang cải tạo, điều đó càng rõ nét hơn. Đến trại giam Xuân Nguyên – Hải Phòng ngày những phạm nhân cải tạo tốt được riêng tư gặp người thân ấy, tôi đã được nghe nhiều chia sẻ cảm động. Mỗi cuộc gặp ít ỏi từ những căn phòng rộng chừng 10m2 với công trình phụ khép kín, đầy đủ tiện nghi giường đệm, điều hòa, ti vi…được gọi là buồng hạnh phúc ấy là động lực giúp phạm nhân cải tạo tốt hơn.
Một phạm nhân được gặp vợ nơi buồng hạnh phúc (Internet) |
Âu yếm quàng tay vào vai vợ, phạm nhân Trần Ngọc Hiếu (SN 1964, ở Vĩnh Niệm, Lê Chân, Hải Phòng) hiện đang cải tạo tại phân trại 1, Trại giam Xuân Nguyên, cho biết: “Để được gặp vợ riêng tư trong căn phòng này trong thời gian nửa buổi sáng, mình phải phấn đấu cải tạo khá trở nên. Cán bộ trại phải xét duyệt quá trình lao động cải tạo của từng phạm nhân trong tháng, rồi lập kế hoạch để các cặp vợ chồng được thăm gặp nhau trong buồng hạnh phúc. Giữa trốn lao tù, được gặp người vợ thân yêu, mình cảm thấy hạnh phúc nhiều lắm…”.
Hiếu kể, năm 2008, Hiếu bị kết án 11 năm tù do đồng can phạm “Giết người”. Nguyên nhân vụ việc ấy xuất phát từ mâu thuẫn của người em trai Hiếu với hàng xóm trong chuyện xây nhà . Hiếu vào tù bỏ lại vợ là chị Đỗ Thị Nga (SN 1966) cùng hai đứa con đang tuổi ăn học khiến kinh tế gia đình đã khó khăn lại càng thêm túng bấn. Hiếu thương người vợ hiền tần tảo sớm hôm gánh vác việc gia đình, thay phần chồng chăm lo cho con cái. Những ngày tháng cải tạo tại trại giam Xuân Nguyên, lúc nào Hiếu cũng canh cánh nỗi nhớ gia đình, thương vợ con nhiều lắm, nhưng chẳng biết làm gì ngoài việc phấn đấu cải tạo tốt, mong một ngày được giảm án để trở về đoàn tụ gia đình. Do có mức cải tạo khá nên hàng tháng, vợ chồng Hiếu được cán bộ trại tạo điều kiện gặp nhau một lần trong căn buồng hạnh phúc. Người vợ của Hiếu ngồi lặng yên nghe những chia sẻ từ chồng, sau cùng cũng lên tiếng đầy xúc động: “Không gian ở đây chẳng thể bằng ở nhà, nhưng trong hoàn cảnh này vợ chồng được gặp nhau thì còn gì bằng” - chị Nga cười e thẹn…
Vợ chồng phạm nhân Trần Thị Hà và Nguyễn Trung Biên (ở phường Thanh Bình, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) đều mang án chung thân về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý”, đang thụ án tại trại giam Xuân Nguyên. Dù đã 38 tuổi và đã trải qua hơn 10 năm sống trong song sắt nhà giam nhưng Hà vẫn giữ được vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm. Nét mặt Hà vẫn căng tròn nét thanh xuân và khao khát được yêu nhiều lắm. Do cải tạo khác phân trại nên hai vợ chồng chẳng bao giờ được nhìn thấy nhau. Hà tâm sự: “Từ ngày trại tạo điều kiện để vợ chồng gặp nhau tại buồng hạnh phúc, mình động viên anh ấy phải phấn đấu cải tạo tốt để được gặp gỡ nhau nhiều hơn, động viên, chia sẻ những buồn vui”. Mỗi lần gặp nhau, Hà lại có cơ hộ được ôm ấp, tựa vào bờ vai chồng đầy ấm áp yêu thương, rồi kể cho nhau nghe về chuyện học tập và tương lai của đứa con gái duy nhất. Chính căn buồng hạnh phúc đã hâm nóng tình cảm vợ chồng Hà trong những ngày trả án tại trại giam Xuân Nguyên.
Ở phòng bên cạnh cũng vang lên tiếng cười khe khẽ, cả tiếng rì rầm tâm sự. Cuộc gặp gỡ giữa phạm nhân Lê Văn Dội (SN 1975, ở Minh Đức, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) và vợ là chị Vũ Thị Quý đang tràn ngập hạnh phúc. Năm 2007, Dội phạm tội “Chế tạo vật liệu nổ” và bị kết án 15 năm tù. Do cải tạo tốt nên mỗi tháng vợ chồng Dội được gặp nhau một lần tại buồng hạnh phúc. Lần nào vào gặp, người vợ cũng mang theo những tấm hình mới chụp các con. Nhìn tấm hình của ba đứa con lớn khôn từng ngày, Dội bùi ngùi và ân hận lắm. Mắt ngấn nước, trong ít phút riêng tư hiếm hoi ấy, Dội chỉ biết hứa với vợ rằng sẽ gắng cải tạo tốt để sớm trở về nhà…
Phần thưởng vô giá của những lỗi lầm
Buồng hạnh phúc ở trại Xuân Nguyên đã được xây dựng cách đây gần 20 năm. Đặc biệt, năm 2010, từ các nguồn kinh phí, trại đầu tư xây dựng mới 10 căn phòng hạnh phúc trị giá 100 triệu đồng, đầy đủ tiện nghi, tạo điều kiện cho vợ, chồng phạm nhân đang cải tạo tại trại hoặc những phạm nhân có vợ hoặc chồng đang sống ngoài xã hội có điều kiện được gặp gỡ. Tính đến nay, toàn trại đã xây dựng được 17 buồng hạnh phúc.
Buồng hạnh phúc là phần thưởng vô giá với những phạm nhân cải tạo tốt |
Vào những ngày thứ 7, chủ nhật hầu hết các buồng đều kín người. Trung bình mỗi tháng, có từ 400 - 500 cặp vợ chồng được gặp nhau tại những căn phòng này. Các cặp vợ chồng gặp nhau tại buồng hạnh phúc trong thời gian nửa ngày, được cấp phát bao cao su tránh thai và phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS. Đối với phạm nhân nữ, trước khi gặp gỡ chồng bắt buộc phải uống thuốc tranh thai trước mặt cán bộ y tế; viết cam kết tự nguyện đình chỉ thai nếu có. Do được kiểm soát chặt chẽ nên trại chưa để xảy ra trường hợp phạm nhân nữ nào có thai mỗi khi gần gũi chồng.
Tại trại Xuân Nguyên hiện có gần 1.000 phạm nhân nữ đang cải tạo, phần lớn họ đều có chồng ngoài xã hội. Tuy nhiên, nhiều phạm nhân vì mặc cảm tội lỗi mà không đủ cam đảm để gặp chồng tại buồng hạnh phúc. Nhưng đa phần, sau khi phạm nhân nữ được gần gũi chồng, tâm lý đều thay đổi rõ rệt, họ giảm bớt sự cô đơn trong những ngày trả án, phấn đấu và yên tâm cải tạo tốt. Với những biện pháp giáo dục, cùng việc tạo điều kiện để phạm nhân được gặp vợ, chồng tại những căn buồng hạnh phúc, nhiêu năm nay, trại Xuân Nguyên không xảy ra tình trạng phạm nhân bỏ trốn, không có hiện tượng chèn ép, đánh cãi nhau giữa các phạm nhân.
Thượng tá Đỗ Văn Khương - Phó giám thị phụ trách phân trại số 3 Trại giam Xuân Nguyên – Hải Phòng cho rằng, “đã là con người thì ai cũng có nhu cầu tình cảm và cách thể hiện khác nhau. Do vậy, việc xây dựng buồng hạnh phúc và tổ chức cho phạm nhân được gặp vợ hoặc chồng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự nhân đạo của Đảng, Nhà nước đối với những con người một thời lầm lỗi. Qua đó, góp phần gìn giữ hạnh phúc gia đình, là nguồn động viên vợ, chồng cải tạo tốt và yên tâm làm ăn ngoài xã hội. Từ ngày có buồng hạnh phúc, đặc biệt đối với phạm nhân có mức án dài, họ rất phấn khởi, tạo động lực giúp họ cải tạo tốt để có cơ hội gặp bạn đời trong chốn riêng tư”.
Buồng hạnh phúc là liều thuốc và sợi dây cứu vãn, kết nối những cuộc tình rạn vỡ khi vợ chồng phải sống cảnh kẻ trong song sắt, người ngoài trại giam…
(Theo Infonet)