4 tuổi vào thẳng lớp 2, 10 năm sau đỗ đại học
Lý Duyệt Vân (SN 2000) là con út trong gia đình nông dân nghèo ở An Huy, Trung Quốc. Để con có môi trường giáo dục tốt và được đi học, bố mẹ quyết định gửi cô đến nhà chú ruột là giáo viên.
Từ nhỏ, cô bộc lộ rõ trí thông minh và tài năng phi thường. Khi được chú dạy chữ, Lý Duyệt Vân thể hiện sự nhanh bén, ghi nhớ tốt. 3 tuổi, cô biết đọc và viết thư pháp. 4 tuổi đi học cấp 1, cô được đặc cách lên thẳng lớp 2. Để hoàn thành chương trình tiểu học, Lý Duyệt Vân chỉ mất 4 năm vì không phải học cả lớp 6.
8 tuổi, cô bước chân vào trường THCS. Nhờ sự kèm cặp của chú ruột, các năm học Lý Duyệt Vân đều đạt thành tích xuất sắc. Trong đó, cô đặc biệt yêu thích 2 môn Toán và Vật lý.
Ý thức được hoàn cảnh gia đình, cô luôn nhắc bản thân cố gắng để thoát khỏi cuộc sống nghèo. Để đạt được mục tiêu, Lý Duyệt Vân phải nỗ lực hết mình. Trong khi bạn bè mải chơi cô vẫn miệt mài học.
Lý Duyệt Vân dành nhiều thời gian học hành. Sự chăm chỉ của cô đều được mọi người biết, ngay cả giáo viên nghiêm khắc nhất cũng thừa nhận: "Lý Duyệt Vân siêng năng, học giỏi. Ở độ tuổi của em, không phải trẻ nào cũng ý thức như vậy". Trong ấn tượng của bạn bè, Lý Duyệt Vân ít nói có phần nhút nhát, điểm số đứng đầu lớp và luôn cởi mở trao đổi kinh nghiệm học tập.
Ở tuổi 14, Lý Duyệt Vân bước vào kỳ thi đại học. Bằng sự cố gắng không ngừng nghỉ, mọi công sức của cô được đền đáp xứng đáng. Với số điểm 626/730, cô đỗ vào ngành Khoa học và Công nghệ điện tử của Đại học Nam Kinh (trường nằm trong khối liên minh C9 - top đại học hàng đầu Trung Quốc).
22 tuổi được bổ nhiệm làm nhà nghiên cứu liên kết
Ban đầu chưa quen với môi trường học tập ở đại học, điểm số của Lý Duyệt Vân không cao. Để thu hẹp khoảng cách trình độ và kiến thức so với bạn bè, cô chăm chỉ học ngày đêm.
Năm 2 đại học, Lý Duyệt Vân tình cờ biết đến khóa học Thí nghiệm biên giới (Frontier Experiments) của trường nên đăng ký tham gia. Đây là nhóm chuyên nghiên cứu chất bán dẫn. Sau khi tham gia nhóm, cô dành nhiều thời gian tìm hiểu cách chế tạo và thử nghiệm.
Để bắt tay vào nghiên cứu, cô đọc thêm nhiều tài liệu, học cách dùng dụng cụ thí nghiệm và tham gia các hội thảo học thuật. Thành quả là Lý Duyệt Vân xuất bản được bài báo đầu tiên với chủ đề 'Ứng dụng dây nano GaN trên bề mặt Graphene' đăng tạp chí Công nghệ bán dẫn (Semiconductor Technology).
Đến năm 4 đại học, cô xuất bản được thêm 2 bài báo khác trên tạp chí SCI và Hóa học vô cơ. Đồng thời, Lý Duyệt Vân cũng hoàn thành xong thủ tục đăng ký cấp bằng sáng chế.
Tốt nghiệp đại học tuổi 18 với loạt thành tích dày đặc, Lý Duyệt Vân được miễn học thạc sĩ, tuyển thẳng lên hệ tiến sĩ. Trong 4 năm học tiến sĩ, cô vừa học vừa nghiên cứu, tiếp tục xuất bản thêm 8 bài báo khác đăng trên tạp chí SCI.
22 tuổi, Lý Duyệt Vân bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và được Đại học Nam Kinh mời về đảm nhận chức vụ cao cấp - nhà nghiên cứu liên kết. Hiện, cô là nhà nghiên cứu trẻ nhất trong khối liên minh C9 (gồm 9 đại học hàng đầu Trung Quốc).
Mức lương Đại học Nam Kinh chiêu mộ Lý Duyệt Vân là 360.000 NDT/năm (1,2 tỷ đồng). Ngoài ra, cô cũng được hưởng thêm các chế độ giống phó giáo sư.
Theo đó, vị trí này đòi hỏi trong 3 năm, Lý Duyệt Vân phải có năng lực thực hiện và khả năng nghiên cứu như sau:
1. Chủ trì các dự án nghiên cứu cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, xây dựng kế hoạch, ý tưởng nghiên cứu và điều phối công việc của nhóm nghiên cứu;
2. Chủ trì hoặc tham gia chủ trì các hoạt động trao đổi học thuật tối thiểu 2 lần;
3. Chủ trì và hoàn thành tối thiểu 1 dự án cấp quốc gia hoặc nhiều hơn 2 dự án cấp tỉnh, thành phố;
Hiện tại, hướng nghiên cứu chính của Lý Duyệt Vân là chất bán dẫn. Cô cũng đang mở rộng nghiên cứu lĩnh vực thông tin điện tử. "Hy vọng, các nghiên cứu của tôi sẽ sớm được ứng dụng vào thực tế", cô chia sẻ.
Theo Sohu