Giảng viên này cho biết mình từng có nhiều năm học tập, có bằng tiến sĩ (về khoa học tự nhiên) tại nước ngoài.
“Mức thu nhập của tôi hiện nay tại trường được tính theo hệ số lương (3,0x1,49 triệu đồng) cộng với một khoản trợ cấp hàng tháng gồm ăn trưa, xăng xe,... khoảng 4 triệu đồng nữa.
Như vậy, thu nhập của một tiến sĩ chỉ khoảng 8 triệu đồng”.
Theo vị giảng viên này, hằng năm cũng có thể tăng thu nhập qua việc được giao đề tài nghiên cứu khoa học, cơ bản nhất là đề tài cấp cơ sở với mức từ 25-30 triệu đồng/đề tài/năm.
“Tuy nhiên, đó chỉ là số tiền trên lý thuyết còn thực tế phải trừ phí quản lý của trường, phí nghiệm thu hội đồng,... Và không phải ai cũng được. Số lượng đề tài có hạn, nên trong khoa, mọi người cũng nhìn nhau kiểu “năm nay được rồi thì năm sau nhường cho người khác”.
Ngoài ra, mức thu nhập cũng có thể được tăng thêm nếu vượt số giờ dạy theo định mức.
“Nhưng khoản này cuối năm mới tính. Theo quy định, mỗi năm như tôi phải dạy đủ 270 tiết để nhận được mức lương như trên. Cuối năm, nếu vượt quá 270 tiết thì mới được trả thêm cho số tiết vượt. Tuy nhiên, mức chi cho mỗi tiết “thừa giờ” này là 100.000 đồng/tiết. Số tiền không nhiều, nếu không muốn nói là thấp, không bõ công sức, xăng xe đi lại”.
Theo tính toán của vị này, thu nhập từ số tiết dạy vượt cũng chỉ được thêm khoảng từ 1-2 triệu mỗi tháng, tổng thu nhập có thể đạt 10 triệu. Còn nếu chỉ dạy đủ số tiết, thu nhập chỉ dao động trên dưới 8 triệu đồng/tháng.
“Dù mình cũng chẳng mong chờ quá nhiều vì biết cơ chế nhà nước nhưng không nghĩ thấp vậy. Mang tiếng học tiến sĩ chán chê ở nước ngoài về, mà thu nhập trên dưới 10 triệu. Với mức thu nhập như vậy, để có tiền sinh hoạt bình thường hàng ngày đã chật vật chứ chưa nói đến nghiên cứu khoa học.
Cũng nhiều giảng viên khác cũng phải làm ngoài nhiều, nhưng mình mới về nên việc này cũng khó khăn”.
Thu nhập không cao nên giảng viên này cho hay cũng không dám thuê nhà gần trường, thời gian đáng lẽ có thể dành cho nghiên cứu khoa học thì phải ra ngoài để đi dạy thêm cho học sinh phổ thông.
“Nói thật, túc tắc mỗi ngày dạy một ca tối (từ 1,5 - 2 tiếng) từ thứ Hai đến thứ Sáu, mỗi tháng, mình còn kiếm được hơn cả thu nhập tại trường”.
Trước đó, trên diễn đàn VietPhD xôn xao câu chuyện 'giảng viên đại học top đầu nhưng lương 7 triệu'. Người đăng bài tự nhận là giảng viên một trường thuộc hệ thống ĐH Quốc gia Hà Nội.
“Mình làm cũng mười mấy năm, nhưng lương hiện nay tầm hơn 7 triệu” - tài khoản này viết.
“Mình mang tiếng làm việc cho trường thuộc ĐH top của Việt Nam, nhưng lương thì thua bác thợ hồ, người giao hàng. Giảng viên trường mình nhiều người phải làm thêm nghề tay trái mới có đủ lương để sống. Công việc thì phải dạy đủ giờ mới hoàn thành nhiệm vụ. Mấy năm nay ngành mình không có sinh viên, nên không có giờ dạy, phải làm đủ thứ việc trên trời, dưới đất để bù giờ, thời gian dành cho nghiên cứu khoa học cũng không nhiều”.
Giảng viên này chia sẻ rất buồn và mong mỏi những người có thẩm quyền quan tâm hơn tới đời sống giảng viên, trong bối cảnh vật giá ngày càng leo thang.
ĐH Quốc gia Hà Nội nói gì?
Về vấn đề này, một cán bộ của văn phòng ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, cũng cần phân định rạch ròi, lương và thu nhập thực tế được nhận.
“Hiện nay, tinh thần của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đang muốn tạo động lực cho cán bộ, giảng viên làm việc. Nếu theo hệ thống lương chung thì cũng có những bất cập. Tuy nhiên, thu nhập thì hiện nay tùy từng đơn vị. Có những đơn vị thu nhập tăng thêm rất nhiều”, vị này nói.
“Tôi tin nếu tổng thu nhập của một giảng viên trình độ cỡ tiến sĩ, nếu làm mười mấy năm, không có chuyện mức thu nhập tầm hơn 7 triệu”, vị này nói.
Một lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, sẽ cho kiểm tra, rà soát những phản ánh này. Bởi, theo ông, hiện số giảng viên mới thu hút về là gần 200 tiến sĩ với mặt bằng thu nhập đều tầm 15-30 triệu đồng.
“Nếu chỉ lương, thì tiến sĩ với hệ số lương 3.0 nhân với mức lương cơ sở, cộng với trợ cấp hàng tháng của trường khoảng tầm 7-8 triệu. Tuy nhiên, lương chỉ là khoản chiếm dưới 50% thu nhập của giảng viên nhà trường”.
Ngoài ra, ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển sinh mới đến 11.000 sinh viên mỗi năm. Do đó, rất khó xảy ra việc giảng viên không có giờ dạy.
Nói về thu nhập giảng viên ở các trường đại học thuộc hệ thống ĐH Quốc gia Hà Nội, vị này nói, chỉ có Trường ĐH Y Dược - ĐH Quốc gia Hà Nội là mới thành lập, còn ít sinh viên nên thu nhập của giảng viên thấp nhất. Với giảng viên trình độ tiến sĩ, Trường ĐH Công nghệ báo cáo thu nhập bình quân trên 30 triệu đồng, Trường ĐH Việt Nhật đảm bảo trên 25 triệu đồng, Trường Quốc tế trên 30 triệu đồng, Trường ĐH Giáo dục bình quân khoảng 16 triệu đồng và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng không thấp,...
Thanh Hùng