Không giống như các nhà toán học khác tìm thấy đam mê với môn toán khi họ còn trẻ, June Huh mới chỉ đi sâu nghiên cứu toán vào năm 23 tuổi, khi ông đang học đại học năm cuối. Hồi nhỏ, ông luôn chép sách giải và trốn các tiết học toán ở trường. Toán là môn học yếu nhất của ông và điểm số chỉ loanh quanh ở mức trung bình - khá.
“Tôi học khá giỏi hầu hết các môn ngoại trừ toán. Điểm toán của tôi rất bình thường, một số bài kiểm tra tôi làm khá ổn, còn các bài còn lại, tôi gần như trượt toàn tập” - ông nói.
Vì vậy, ông mong muốn trở thành một nhà thơ. Năm 16 tuổi, ông đã bỏ học để đi viết thơ. Nhưng cuối cùng ông cũng quay trở lại việc học vì không có tác phẩm nào được xuất bản. Khi vào Đại học Quốc gia Seoul, ông theo học vật lý và thiên văn học.
Chỉ đến năm cuối đại học, June Huh mới cảm thấy hứng thú với môn toán. Năm đó, Heisuke Hironaka, một nhà toán học Nhật Bản, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Seoul đã giành được huy chương Fields (năm 1970). June Huh đã tham dự lớp học của Hironaka để viết bài về nhân vật này.
“Ông ấy giống như một siêu sao ở hầu hết các nước Đông Á,” June Huh mô tả.
Tuy nhiên, chỉ sau 3 bài giảng, chỉ còn June Huh và 4 người khác trụ lại trong lớp toán. Sau đó, June Huh tiếp cận Tiến sĩ Hironaka để thảo luận về toán học mặc dù ông không biết gì về toán.
Năm 2009, June Huh rải đơn vào hàng chục trường đại học tại Mỹ để tiếp tục học tiến sĩ.
“Tôi khá tự tin rằng mặc dù điểm của tất cả các môn toán đều bết bát, nhưng tôi lại nhận được một lá thư giới thiệu từ một người đạt huy chương Fields, vì vậy tôi sẽ được chấp nhận từ rất nhiều trường” - June Huh nhớ lại.
Thế nhưng, các trường đều từ chối và chỉ duy nhất Đại học Illinois Urbana - Champaign cho ông vào danh sách chờ.
Sau vài tuần, ông được chấp nhận vào nhập học. Tại Illinois, ông bắt đầu nghiên cứu về lĩnh vực tổ hợp xác suất. Năm 2011, ông chuyển đến Đại học Michigan và tốt nghiệp tiến sĩ cùng năm.
Vào năm 2015, Tiến sĩ Huh, cùng với Eric Katz của Đại học Bang Ohio và Karim Adiprasito của Đại học Hebrew ở Jerusalem, đã chứng minh Giả thuyết Rota, liên quan đến các đối tượng tổ hợp trừu tượng.
Ông liên tiếp đạt nhiều thành tựu các năm sau đó. Năm 2019, June Huh là 1 trong 5 người chiến thắng Giải thưởng Chân trời mới cho thành tựu đầu sự nghiệp, cùng với Giải thưởng Đột phá về Toán học. Trước đó, ông giành Giải thưởng Blavatnik dành cho các nhà khoa học trẻ (Hoa Kỳ) vào năm 2017.
Năm 2022, ông được trao Huy chương Fields vì đã "đưa các ý tưởng của lý thuyết Hodge vào tổ hợp, bằng chứng của giả thuyết Dowling – Wilson cho mạng hình học, bằng chứng của phỏng đoán Heron – Rota – Welsh”.
Được trao 4 năm một lần vào các dịp Đại hội Toán học Thế giới, huy chương Fields được coi là giải thưởng toán học danh giá hàng đầu. Khác với giải Nobel, huy chương Fields chỉ được trao cho những người chưa quá 40 tuổi.
Đại hội Toán học thế giới năm nay dự kiến được tổ chức tại thành phố St. Petersburg, Nga. Dù vậy, sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, IMU quyết định chuyển hình thức tổ chức đại hội sang trực tuyến. Buổi lễ trao huy chương vẫn diễn ra trực tiếp, nhưng được chuyển tới thủ đô Helsinki (Phần Lan).
Doãn Hùng (Theo NY Times)
Ảnh: Quanta Magazines
Điều đặc biệt về giáo sư giành giải thưởng Fields trẻ nhất nước Đức
Giáo sư Peter Scholze(30 tuổi )đến từ nước Đức vừa giành giải thưởng Fields tại Đại hội toán học quốc tế. Anh cũng trở thành một trong những người đoạt huy chương trẻ nhất thế giới từ trước đến nay
Người phụ nữ đầu tiên đoạt giải thưởng toán học Fields
GS Ngô Bảo Châu: “Tôi từng sốc khi nhận được bảng lương của mình”
Khi được bổ nhiệm làm giáo sư, GS Ngô Bảo Châu nghĩ từ đây mình sẽ có cuộc sống dư dả hơn. Nhưng ông đã sốc trong ngày nhận tháng lương đầu tiên. Với số tiền này, còn không đủ để mua vé máy bay về Việt Nam.