Những số tiền tài trợ khổng lồ
Hồi tháng 5, tỉ phú John Doerr – một trong những nhà đầu tư mạo hiểm thành công nhất tại Thung lũng Sillicon đã làm tất cả phải choáng váng khi tài trợ cho Đại học Stanford khoản tiền 1,1 tỷ USD để phục vụ cho các nghiên cứu về chống biến đổi khí hậu năng lượng tái tạo. Món quà của tỉ phú John Doerr và vợ là khoản đóng góp lớn thứ hai trong lịch sử mà bất kì cơ sở giáo dục nào nhận được, chỉ sau số tiền 1,8 tỷ USD mà tỉ phú Michael R. Bloomberg tài trợ cho Đại học Johns Hopkins vào năm 2018.
Theo thống kê của Hội đồng Tiến bộ và Hỗ trợ Giáo dục (CASE), số tiền tài trợ và đóng góp tự nguyện cho các trường đại học và cao đẳng tại nước Mỹ trong năm tài khóa 2021 là 52,9 tỷ USD, tăng 6,9 % so với năm 2020. Trong số những nhà tài trợ, các tổ chức đâu tư chiếm 33,1%; cựu sinh viên chiếm 23,2%; phần còn lại thuộc về các tâp đoàn và cá nhân khác.
Những con số tài trợ đang tăng dần theo từng năm đã khẳng định một sự thật rằng, các trường đại học đã dần dần không còn phụ thuộc vào học phí để làm nguồn cung cho các hoạt động nghiên cứu của mình nữa. Không chỉ diễn ra tại Mỹ, xu thế này cũng đang diễn ra trên toàn thế giới.
Ngay tại châu Á, mới đây một cựu học sinh giấu tên đã quyên góp toàn bộ gia sản trị giá 30 tỷ Won của mình cho Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc. Theo chia sẻ của vị tỷ phú này, ông chỉ muốn giúp đỡ cho những “đàn em” gặp khó khăn trong quá trình học của mình, hi vọng họ sẽ tạo ra những thành tựu không chỉ đóng góp cho sự phát triển của quốc gia mà còn cho toàn nhân loại.
Sự đổi thay của các trường đại học
Ở nhiều nơi trên toàn thế giới, những khoản hỗ trợ tài chính của Chính phủ dành cho giáo dục đại học đã giảm dần theo năm tháng, điều đó khiến cho các trường đại học đang ngày càng cố gắng để nhận được nhiều khoản tài trợ tư nhân nhất có thể.
Đơn cử là tại Mỹ, vào những năm 1970, ngân sách hoạt động của các trường đại học công có tới 75% là do Chính phủ tài trợ, ngày nay, con số này chỉ còn từ 10-15%. Dữ liệu của Hội đồng Hỗ trợ Giáo dục Mỹ cho thấy, ngay cả trong cuộc suy thoái kinh tế năm 2008, số tiền đóng góp mà các trường đại học nhận được vẫn tăng theo từng thập kỉ
Khi mà các trường đại học nhận ra rằng việc hoạt động và cung cấp kinh phí cho nghiên cứu ngày càng tốn kém hơn và doanh thu từ học phí không thể đáp ứng được nhu cầu thì họ bắt đầu có những thay đổi trong việc thu hút các khoản tài trợ. Một trong những xu hướng đáng chú ý nhất là việc thu hút những nhà tài trợ không phải là cựu học sinh, như những tổ chức đầu tư hay tập đoàn có nhu cầu nghiên cứu trong một lĩnh vực cụ thể.
Như một lẽ tất yếu, những ngôi trường danh giá sẽ nhận được những khoản tiền tài trợ lớn nhất. Theo thống kê của USNews, 9 trong số 10 cái tên trong danh sách những trường đại học nhận được nhiều tài trợ nhất nằm trong Top 25 đại học trên toàn quốc.
Đứng đầu trong số này là Đại học Harvard danh giá, hạng 2 thuộc về Đại học Yale, Stanford xếp thứ 3. Một sự thật đáng ngạc nhiên là những khoản tài trợ, đầu tư hay tài sản mà Harvard nhận được trong năm 2020 là 42 tỷ USD; lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội của nhiều nước trên thế giới.
Ngoài danh tiếng từ các lĩnh vực nghiên cứu và công nghệ, một trường hợp khác cũng thu hút được rất nhiều tài trợ cho các trường đại học là thể thao. Vào năm 2019, Liên đoàn bóng rổ Đại học Mỹ NCAA trả cho mỗi trường vào được vòng chung kết quốc gia số tiền 611 triệu USD, chưa kể đến tài trợ từ các nhãn hàng thể thao khác. Con số này thực tế còn lớn hơn rất nhiều ở những ngôi trường có thành tích cao trong nhiều năm như Duke hay Kentucky.
Việt Dũng