Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung chiều nay (27/10) đã có giải trình trước Quốc hội làm rõ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020.
Bộ trưởng cho biết, mặc dù BHXH bắt đầu được triển khai ở nước ta từ năm 1995 còn "non trẻ", xong đến nay đã có bước phát triển tương đối nhanh, phù hợp với thực tiễn, cơ bản đáp ứng và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đến nay có quỹ BHXH thực sự trở thành quỹ tài chính nhà nước, ngoài ngân sách nhà nước có quy mô lớn nhất. Nếu năm 1998 - năm đầu quỹ kết dư có 7.500 tỷ đồng thì đến hết năm 2020, quy mô quỹ đã tăng gấp 120 lần, tức là kết dư gần 1 triệu tỷ đồng.
Tiến tới giảm thời gian đóng BHXH xuống 10 năm được hưởng lương hưu |
Tiếp thu các ý kiến của ĐBQH, ông Đào Ngọc Dung cho hay, thời gian tới, Chính phủ, Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và các cơ quan sẽ tập trung, khẩn trương đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi một cách căn cơ Luật BHXH, Luật Việc làm.
“Dự kiến cuối tháng 10 này phiên họp Chính phủ sẽ bàn về nội dung Luật BHXH sửa đổi”, ông Dung thông tin.
Về thể chế hóa Nghị quyết 28 của Trung ương, theo Bộ trưởng, có một số nội dung đã tiến hành rồi như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với ngân sách Nhà nước.
“Tới đây sẽ tập trung giải quyết 1 số vấn đề cơ bản như ĐBQH vừa nêu như phát triển hệ thống BHXH đa tầng, sửa đổi thời gian giảm đóng BHXH mức tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới 10 năm”, ông Dung cho biết.
Ông cũng nhấn mạnh phải đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng; điều chỉnh chính sách hưởng BHXH 1 lần; phát triển tham gia BHXH của lực lượng lao động phi chính thức; xây dựng chính sách hấp dẫn người lao động tham gia BHXH…
Trước đó trong phiên thảo luận chiều nay, ĐBQH cho rằng một trong những nguyên nhân khiến BHXH tự nguyện chưa được như mong muốn đó là những quy định chính sách chưa đủ sự hấp dẫn thu hút người tham gia. Trong đó có quy định đóng còn tương đối dài 20 năm, nhưng chế độ hưởng còn hạn chế.
Tại phiên thảo luận tổ ngày 22/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, nếu sửa sớm thì sẽ quản lý tốt hơn số lượng người hưởng BHXH một lần. Với quy định hiện nay, người lao động đóng BHXH 20 năm mới được hưởng chế độ hưu trí và điều kiện để rút một lần rất dễ dàng.
Ông nhắc lại Nghị quyết 28 Trung ương khóa XII có đề cập đến việc phải rút ngắn thời gian đóng BHXH theo hướng có thể giảm thời gian đóng xuống 15 năm, thậm chí có thể tiến tới chỉ đóng 10 năm.
Khi người lao động chỉ đóng BHXH từ 10 - 15 năm, họ còn theo đuổi tiền lương hưu về già. Trong khi đó, nếu rút BHXH một lần, họ chỉ được hưởng phần của mình đóng là chính (trong BHXH có phần của người lao động đóng, có phần của người sử dụng lao động đóng). Do vậy, việc rút ngắn thời gian đóng BHXH sẽ hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần.
Trần Thường
Đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH còn 10 - 15 năm được hưởng lương hưu
Nhiều ĐBQH đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH còn 10 - 15 năm để đảm bảo quyền lợi hưởng lương hưu của người lao động và khắc phục được tình trạng rút BHXH một lần.