Tại Cộng hòa Séc (Séc), cộng đồng người Việt Nam được công nhận là dân tộc thiểu số và hưởng các lợi ích theo điều luật về các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Có đức tính cần cù, chăm chỉ và hội nhập tốt với xã hội sở tại nên cộng đồng người Việt Nam được Chính phủ Séc tạo điều kiện rất thuận lợi trong việc cư trú, kinh doanh, học tập cũng như cuộc sống hàng ngày.

Với sự hội nhập của toàn cộng đồng, các thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3, thứ 4 luôn phát huy được khả năng của mình trong học tập và công việc. Nhiều người đã làm việc tại rất nhiều các cơ quan với các ngành nghề rất đa dạng, có thành tựu, vị trí trong xã hội sở tại. 

W-451090669_501168169089658_3918343754247742646_n.jpg
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng chụp ảnh cùng bà con kiều bào tại Séc.

Trong tháng 7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng đã gặp gỡ với lãnh đạo, đại diện của Liên hiệp hội người Việt, Hội đoàn người Việt tại châu Âu, các hội đoàn Trung ương và địa phương của người Việt tại Séc.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đánh giá cao sự nỗ lực gìn giữ, phát huy và bảo tồn tiếng mẹ đẻ của cộng đồng kiều bào. Bà cũng chia sẻ những câu chuyện cảm động về các thầy, cô giáo tình nguyện dạy tiếng Việt trong điều kiện còn rất khó khăn ở nhiều nơi trên thế giới xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm và sự đam mê, tình yêu với dân tộc, quê hương, đất nước nhằm bảo tồn, gìn giữ tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ. 

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng người Việt trên toàn thế giới trong các hoạt động Tôn vinh tiếng Việt. Bà mong muốn, với tình yêu và trách nhiệm, bà con sẽ tiếp tục các nỗ lực bảo tồn, gìn giữ tiếng Việt – hồn cốt của dân tộc trong nhiều thế hệ tới. 

Theo Đại sứ Việt Nam tại Cộng hoà Séc - Dương Hoài Nam, cộng đồng người Việt tại Séc có gần 100.000 người, là một cộng đồng tiêu biểu với cơ cấu các hội, đoàn rất chặt chẽ về tổ chức với Hội Người Việt Nam tại Séc và các chi hội, đa dạng về lĩnh vực hoạt động, có nhiều nỗ lực trong việc gắn kết cộng đồng người Việt, hội nhập và đóng góp tích cực đối với xã hội sở tại, đất nước. Đặc biệt là triển khai mạnh mẽ các hoạt động văn hoá, giữ gìn và lan toả bản sắc dân tộc tại Séc, thúc đẩy xây dựng mối quan hệ nhân dân, hữu nghị Việt Nam – Séc.

Đại sứ Dương Hoài Nam nhấn mạnh, Đại sứ quán sẽ tích cực hỗ trợ, đồng hành, khuyến khích cộng đồng duy trì bản sắc văn hóa, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa phong trào dạy và học tiếng Việt - chất keo gắn kết cộng đồng với quê hương, giúp xây dựng cộng đồng người Việt ngày càng đoàn kết, giữ gìn truyền thống, luôn hướng về quê hương, đất nước. 

Hoàng Phương Linh, sinh viên xuất sắc năm thứ 2 Đại học Charles Praha, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam tại Séc chia sẻ những trải nghiệm cá nhân khi tham gia chương trình “Trại hè Việt Nam” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức hàng năm. Qua đó, giúp kết nối các bạn trẻ người Việt, gốc Việt trên toàn thế giới, hiểu hơn về nguồn gốc, văn hoá, lịch sử Việt Nam, học tiếng Việt nhiều hơn. Phương Linh cảm ơn Nhà nước Việt Nam rất quan tâm, khuyến khích việc dạy và học tiếng Việt vì tiếng Việt là cội nguồn văn hoá của mỗi dân tộc, mong muốn các hoạt động này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa. 

"Em nghĩ rằng, tiếng Việt chính là chất keo gắn kết cộng đồng người Việt Nam tại Séc với nhau cũng như kết nối với cộng đồng kiều bào trên khắp thế giới hay tại Việt Nam", Phương Linh bày tỏ. 

Tham gia giảng dạy tiếng Việt nhiều năm tại các lớp tiếng Việt cộng đồng là thầy Nguyễn Văn Sơn, cô Nguyễn Hồng Nhung, Trung tâm Tiếng Việt Praha; cô Nguyễn Thị Mận, Trung tâm Tiếng Việt Karlo. Các thầy cô đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tiếng Việt trong cộng đồng, là cầu nối để bà con kết nối với cộng đồng trong nước.

Cô giáo Nguyễn Hồng Nhung cho biết, các lớp dạy tiếng Việt gặp khó khăn về kinh phí duy trì lớp học, giáo trình dạy học thiếu và chưa phù hợp. Cô mong muốn được quan tâm, hỗ trợ phần nào về thu nhập để có thể tiếp tục đam mê trong sự nghiệp giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hoá dân tộc; ngoài ra cũng đề xuất Nhà nước hỗ trợ việc chuyển đổi số trong cách thức dạy tiếng Việt, hỗ trợ tập huấn giảng dạy…

Ông Phạm Vĩnh Thái, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong các chương trình xây dựng Tủ sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng giảng dạy tiếng Việt cho các giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài trong thời gian tới.