Đối với cộng đồng gần 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, tiếng Việt là niềm tự hào, là điểm tựa kết nối, là nhân tố giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, giúp bà con tự tin hội nhập với thế giới.

Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, tiếng Việt cũng đang đối mặt với nguy cơ mai một.

W-20230730-113318-1.jpg
Các bạn trẻ người gốc Việt từ các quốc gia trên thế giới trở về Việt Nam trong trang phục truyền thống của người Việt.

Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn, giá trị khoa học và nhân văn sâu sắc. Nhiệm vụ này cũng đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và khẳng định thành chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12/KL-TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc”.

Tại Solvakia, hiện có khoảng 7.000 người Việt sinh sống và học tập. Ngày 7/6/2023, Chính phủ Slovakia quyết định công nhận người Slovakia gốc Việt là dân tộc thiểu số thứ 14 của nước này. Đến nay, cộng đồng người Việt tại Slovakia là cộng đồng người Việt thứ hai trên thế giới (sau Séc) được công nhận là dân tộc thiểu số của nước sở tại.

Quyết định của chính phủ Slovakia được đưa ra dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Chính phủ Slovakia về nhân quyền, dân tộc thiểu số và bình đẳng giới, ý kiến chuyên gia của Viện Dân tộc học và Nhân chủng học xã hội thuộc Viện Hàn lâm khoa học Slovakia.

Theo công bố của Chính phủ Slovakia, cộng đồng người gốc Việt Nam có đầy đủ tiêu chí về số lượng, đã sinh sống ở Slovakia trong gần 70 năm và thế hệ thứ 3 đã hòa nhập hoàn toàn vào xã hội. Chính vì vậy, nhu cầu dạy và học tiếng Việt ở đây ngày càng tăng, được nhiều gia đình quan tâm. 

Nhiều gia đình không chỉ hướng cho con cháu hiểu biết về cội nguồn bằng các chuyến về thăm quê hương, tham gia hoạt động của người Việt hay ngoài giờ học ở trường về nhà phải nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, học văn hóa truyền thống Việt Nam.

Monica Trần (tên tiếng Việt là Trần Thủy Tiên, SN 1999) sống ở Bratislava (Slovakia) mang dáng vẻ khá “Tây” nhưng tính cách và giọng nói rất “thuần Việt”. Tiên không chỉ đọc thông, viết thạo tiếng Việt mà còn có khả năng giao tiếp trôi chảy, mặc dù em không sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. 

W-20230730-102213-2.jpg
Thủy Tiên (đứng giữa) chụp cùng các thành viên đoàn Slovakia khi đến thăm Đại nội Huế. 

Tiên chia sẻ, hai chị em Tiên sinh ở Slovakia, đi học hoàn toàn dùng tiếng nước sở tại. Tuy nhiên, bố mẹ rất có ý thức trong việc gìn giữ tiếng nói và văn hóa dân tộc. “Với em không phải học nói tiếng Việt mà đó là ngôn ngữ gốc gác của mình, ở nhà bố mẹ nói tiếng Việt thường xuyên nên em trai và em cũng nói theo một cách tự nhiên. Nhờ đó, khi về thăm Tổ quốc, em có thể giao tiếp, bày tỏ cảm xúc bằng tiếng Việt với ông bà và họ hàng của mình”, Tiên nói. 

Tiên cho rằng, để cô và em trai có thể yêu và thích sử dụng tiếng Việt là do từ bé mẹ đã cung cấp cho hai chị em vốn từ vựng nhất định bằng các bài hát thiếu nhi, dân ca, hát ru…. Mỗi một giai đoạn, mẹ sẽ bổ sung thêm lượng từ vựng phù hợp, đánh vần tiếng Việt và giao tiếp hàng ngày giúp cô tạo thành thói quen. Sự quyết tâm của mẹ đã truyền đến Tiên tình cảm với tiếng nói của quê hương, đất nước.

“Dạy con tiếng Việt không bao giờ là dễ dàng đối với những gia đình cả bố mẹ đều làm ở nước ngoài. Một ngày, em đến trường hoàn toàn sử dụng tiếng bản địa. Buổi tối ở nhà chỉ có 4 tiếng, mẹ đã đồng hành cùng em trong việc học, tạo môi trường học thoải mái và tự nhiên để em cảm thấy vừa yêu tiếng Việt và vừa cảm thấy được chơi khi học tiếng Việt”, Tiên tâm sự. 

Hè năm 2023, Tiên đã trở về thăm Việt Nam, cùng bạn bè đến nhiều danh lam, thắng cảnh của đất nước cũng như tham gia vào một số sự kiện thiện nguyện, chia sẻ tình cảm đến các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi…

Chuyến đi này đã mang đến cho Tiên nhiều trải nghiệm, nhiều người bạn mới. Đặc biệt, Tiên có cơ hội giao lưu với nhiều người bạn cũng sinh ra và lớn lên ở nước ngoài như mình. Với khả năng nói tiếng Việt tốt, Tiên tham gia hỗ trợ nhiều bạn trong đoàn và dạy các bạn nói tiếng Việt. “Được giúp đỡ các bạn học tiếng Việt, đối với em là trải nghiệm rất thú vị và tự hào”, Tiên nhớ lại. 

Còn Vũ Việt Hoàng (SN 1991) là một trong các đại biểu Slovakia về tham dự khóa tập huấn phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023. Việt Hoàng sang Slovakia du học và ở lại đây làm việc. Chuyên ngành Hoàng học là kỹ thuật nhưng chàng trai có đam mê với giáo dục. Hoàng cho biết, mình từng trợ giảng cho một số lớp dạy tiếng Việt và giúp một số trẻ nhỏ học tiếng Việt giao tiếp. 

“Các em nhỏ người Việt thế hệ thứ 2, thứ 3 ở Slovakia có khả năng thích ứng rất cao, hòa nhập tốt với môi trường sở tại. Việc học tiếng Việt cũng vậy, có lẽ do cộng đồng người Việt ở bên này khá đông nên các em có điều kiện tiếp cận, sử dụng tiếng Việt nhiều. Hơn nữa, cha mẹ các em luôn muốn con nói được tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, các phụ huynh hỗ trợ tối đa để con em được tham gia các lớp dạy tiếng Việt”, Việt Hoàng kể.

W-20230816-090507-1.jpg
Các giáo viên tham dự khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam. 

Với nguyện vọng nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Việt, được giảng dạy chính thức trong các lớp học tiếng Việt nên Việt Hoàng đã đăng ký tham gia khóa tập huấn. 

“Trước đây, em dạy theo bản năng, mình biết gì thì dạy cái đó nhưng sau khi tham dự khóa tập huấn, em mới biết cách để giờ dạy cuốn hút hơn, sử dụng phương pháp hoạt động để các em dễ hiểu, dễ nhớ và yêu thích ngôn ngữ Việt. Các hoạt động này, ông bà, bố mẹ cũng có thể tham gia cùng các bé”, Hoàng chia sẻ thêm. 

Hoàng khẳng định, tiếng Việt là sợi dây kết nối và giúp cho cộng đồng người Việt nói chung ở nước ngoài ngày càng phát triển mạnh mẽ. Với sự đóng góp không nhỏ của các giáo viên kiều bào sẽ giúp đưa ngôn ngữ quê hương tồn tại và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của các thế hệ người Việt, trong đó có Slovakia. 

Những năm qua, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và sự nỗ lực của cộng đồng người Việt ở Slovakia trong việc dạy học tiếng Việt, Chính phủ Slovakia cũng có nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện, đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại một số trường, giáo viên giảng dạy là người Việt Nam. Điều đó đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Slovakia ngày càng tốt đẹp hơn. 

Quang Phong và nhóm PV, BTV