Dự báo tiếp tục giảm lãi suất
Ngày 19/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 liên tiếp trong 4 tháng, với mức giảm 50 điểm phần trăm cho 3 loại lãi suất chủ chốt. NHNN giảm mỗi loại lãi suất điều hành khoảng 150-200 điểm. Lãi suất tái chiết khấu điều chỉnh từ 4,5% xuống 3%. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% xuống 4,5% và lãi suất qua đêm liên ngân hàng từ 7% xuống 5%.
Tuy nhiên, trong một báo cáo của HSBC ngày 19/6, ngân hàng này kỳ vọng, NHNN sẽ tiến hành thêm một đợt cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trong chu kỳ nới lỏng, có thể trong quý III/2023 nhằm hỗ trợ thêm cho tăng trưởng kinh tế.
Theo HSBC, quyết định giảm lãi suất của NHNN phản ánh rõ ràng sự cấp thiết trong việc hỗ trợ tăng trưởng thông qua kênh tín dụng. Đây là động thái tiếp theo nhằm giảm chi phí tài trợ vốn cho doanh nghiệp và hộ gia đình, từ đó khuyến khích môi trường kinh doanh và hỗ trợ tâm lý người tiêu dùng.
HSBC cho rằng, 2023 là một năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam, sau khi chứng kiến tốc độ tăng trưởng của quý I/2023 giảm mạnh xuống còn có 3,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo HSBC, dữ liệu lĩnh vực bên ngoài chậm lại vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng. Xuất khẩu tính từ đầu năm đến nay đã giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm trước, sự suy yếu thể hiện trong nhiều ngành hàng. Xuất khẩu sang Mỹ, điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với thị phần 30%, từ đầu năm tới nay đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá đối với dự báo của HSBC về một lần giảm lãi suất nữa, ông Vicente Nguyen, Giám đốc đầu tư (CIO) của AFC Vietnam Fund cho rằng, nếu NHNN giảm lãi suất thêm cũng là một điều hợp lý và là tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, sẽ hiệu quả hơn nếu kết hợp các biện pháp khác.
Nói về quyết định giảm lãi suất lần thứ 4 của NHNN, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc CTCP Chứng khoán DSC chi nhánh TP.HCM cho rằng, việc giảm lãi suất thể hiện sự quan tâm sát sao của Nhà nước. Tuy nhiên, hiệu quả chưa rõ ràng.
Theo ông Huy, 3 lần điều chỉnh trước đó quan sát cho thấy, chưa có tác động nhiều đến nền kinh tế. Chuyên gia chứng khoán cho rằng, có thể chính sách tiền tệ hiện tại sẽ ngấm rất chậm.
Trông chờ vào chính sách tài khóa
Ông Bùi Văn Huy chia sẻ, trong lý thuyết kinh tế vĩ mô, có một khái niệm là “bẫy thanh khoản” (liquidity trap). Đây là hiện tượng, trong đó chính sách tiền tệ được nới lỏng bằng biện pháp giảm lãi suất xuống thấp quá một mức nhất định, khiến cho mọi người quyết định giữ tài sản dưới dạng tiền mặt và chính sách tiền tệ trở nên bất lực. Khi đó việc điều tiết chu kỳ kinh tế chỉ còn trông cậy vào chính sách tài khóa.
Ví dụ nổi bật của hiện tượng bẫy thanh khoản là nền kinh tế Mỹ những năm 1930-1940 sau đại khủng hoảng hay gần nhất là “Thập kỷ mất mát” của Nhật Bản những năm 1990 đến sau năm 2000. Cụ thể về Nhật Bản, trong giai đoạn mà nhiều người vẫn gọi về Thập kỷ mất mát, Nhật Bản đã hạ lãi suất từ 6% về sát 0% nhưng nền kinh tế vẫn chìm trong suy thoái.
Với Việt Nam, ông Huy nêu quan điểm rằng, việc khắc phục sự đứt gãy giữa các thị trường và việc đẩy mạnh chính sách tài khóa (đầu tư công) sẽ có tác động nhiều hơn chính sách tiền tệ lúc này.
Trước đó, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích CTCK VNDirect, cũng cho rằng, giải pháp tốt nhất vào hoàn cảnh này có lẽ là đẩy mạnh đầu tư công, tập trung đẩy tiến độ giải ngân cho một số dự án, ví dụ như đại công trình Sân bay Long Thành.
Mặc dù nói nhiều đến những khó khăn nhưng nhiều tổ chức vẫn đánh giá triển vọng trong trung và dài hạn tốt đẹp của Việt Nam. Chuyên gia từ S&P Global Market Intelligence gần đây cho rằng, Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh nhất ở khu vực châu Á trong 5 năm tới, nhờ nhiều yếu tố như: đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ; chi tiêu mạnh cho cơ sở hạ tầng trong nước; hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung; các hiệp định thương mại…
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023. Động lực cho phát triển trung-dài hạn vẫn được duy trì nếu các thị trường xuất khẩu chủ lực không suy thoái, cân đối lớn vĩ mô tiếp tục được đảm bảo, ngành ngân hàng duy trì được sự ổn định, sự phục hồi sau Covid của nhiều ngành và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ được phát huy.
Còn theo HSBC, ngay trong năm 2023, ngành dịch vụ của Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm sáng. Lượng khách du lịch nhập cảnh có chiều hướng tích cực. Việt Nam đã đón gần 1 triệu du khách trong vòng hai tháng qua, tương đương 70% mức của năm 2019. Du khách Hàn Quốc đã phục hồi tới 80% của mức trước đại dịch.
Trong khi đó, Quốc hội cũng đang xem xét việc nới lỏng các hạn chế về thị thực vốn được mong đợi từ lâu. Với những nỗ lực thúc đẩy du lịch, Việt Nam nhiều khả năng sẽ chứng kiến một cú hích mạnh hơn trong quý IV/2023.
Bên cạnh sự cấp thiết trong hỗ trợ tăng trưởng, động thái mới của NHNN cho thấy, ngân hàng trung ương Việt Nam vẫn duy trì tâm thế tích cực về triển vọng lạm phát, một lần nữa khẳng định "lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát".
Thật vậy, lạm phát đã liên tục dịu xuống, gần đây đã xuống dưới 3% so với cùng kỳ năm trước. Mức này thấp hơn nhiều so với trần 4,5% của NHNN nhờ giá năng lượng thế giới hỗ trợ và lạm phát lương thực trong nước được xoa dịu.
Việc tăng giá bán lẻ điện bình quân 3% hồi đầu tháng 5, vốn thường tác động lên lạm phát sau một tháng, cũng tạo ra rủi ro tăng lạm phát nhưng trong tầm quản lý được. HSBC giảm dự báo lạm phát năm 2023 xuống 2,6% (so với dự báo trước là 4%).
Một vấn đề khác NHNN cân nhắc chính là ổn định tiền tệ. Bất chấp đồng USD mạnh lên gần đây, đồng VND vẫn duy trì tương đối ổn định nhờ tình hình tài khoản vãng lai được cải thiện. Trong khi Việt Nam phải hứng chịu những "cơn gió ngược" trong thương mại, tình hình nhập khẩu còn suy giảm nặng hơn xuất khẩu do bản chất ngành sản xuất thiên về nhập khẩu.
Theo đó, thặng dư thương mại bình quân một tháng trong năm 2023 đã tăng gấp đôi lên 2 tỷ USD. Mặc dù vậy, diễn biến của cặp tỷ giá USD-VND vẫn cần theo dõi sát sao vì Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng chưa hoàn tất chu kỳ thắt chặt.
HSBC giảm nhẹ dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2023 xuống 5% (so với mức 5,2% trong dự báo trước) sau khi xem xét mức độ suy giảm thương mại kéo dài và ảnh hưởng sâu rộng hơn kỳ vọng. HSBC kỳ vọng, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi đáng kể từ quý IV/2023, với sự hỗ trợ nhiều hơn từ chính sách tiền tệ.