Ngày 28/8, tại TP.HCM, Viện những vấn đề phát triển (VIDS) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Kỷ lục Việt Nam, Viện Lý học Phương Đông, Viện Nghiên cứu và phát triển Đạo Mẫu Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo khoa học và thực tiễn: "Tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa tâm linh: Thực trạng, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển trong giai đoạn mới”. Đây là Hội thảo lần thứ 2 được tổ chức, tiếp nối sau thành công của hội thảo lần 1 được diễn ra vào ngày 24/5/ 2022 tại Hà Nội. Hội thảo lần này cũng nằm trong chuỗi các hoạt động nghiên cứu về chủ đề "Văn hóa tâm linh trong phát triển của Việt Nam”.
Ông Phạm Quang Thao- Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) hoan nghênh VIDS đã chủ động đề xuất chủ trì việc nghiên cứu nội dung “Văn hoá Tâm linh và Phát triển” đồng thời tập hợp đội ngũ các nhà nghiên cứu, các tổ chức khoa học kể cả các doanh nghiệp phối hợp cùng triển khai có kết quả ban đầu như để chia sẻ tại hội thảo này. Đây là việc triển khai một nội dung quan trọng mà Đại hôi Đảng lần thứ XIII đã xác định: "Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo”.
TS. Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch VIDS phát biểu, Viện là tổ chức Khoa học phi lợi nhuận, hoạt động trong lĩnh vực Khoa học – Công nghệ, trong đó nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề văn hóa nói chung trong sự phát triển của đất nước và thời đại. Do yêu cầu thực tiễn và tính cấp bách, Viện đã chủ trì và phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo này nhằm làm rõ hơn, quán triệt sâu sắc hơn tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát huy và phát triển văn hóa tâm linh, các giá trị văn hóa tâm linh đối với với sự phát triển của đất nước. Đồng thời đánh giá thực trạng văn hóa tâm linh, phát huy các giá trị văn hóa tâm linh; làm rõ các vấn đề đặt ra và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy các giá trị tích cực của văn hóa tâm linh, hạn chế các tác động tiêu cực đối với sự phát triển của đất nước.
"Tại nước ta, văn hóa tâm linh được xem như di sản của mỗi dân tộc, mang nhiều giá trị truyền thống cần được bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, trong quá trình nhận thức và thực hành văn hóa tâm linh của người dân vẫn còn tồn tại một số vấn đề lệch lạc, sai trái. Vì vậy việc nghiên cứu văn hóa tâm linh hiện nay mang tính cấp thiết, giúp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, bảo vệ những giá trị chân – thiện – mỹ", ông Phúc nhấn mạnh.
Hội thảo lần này quy tụ gần 50 bài viết tham luận chuyên sâu của rất nhiều các nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu và các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực. Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng lắng nghe những bài tham luận chất lượng, có chiều sâu. Các bài tham luận phần nào đã giúp làm rõ hơn thực trạng phát triển và sự tác động đa chiều của văn hóa tâm linh trong những năm qua, chỉ rõ các nguyên nhân, hạn chế, yếu kém, phân tích làm rõ các vấn đề đặt ra và đề xuất các định hướng, cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục phát triển lành mạnh văn hóa tâm linh, phát huy các giá trị tích cực của văn hóa tâm linh, đồng thời hạn chế những lệch lạc, tiêu cực cần được chấn chỉnh trong hoạt động văn hóa tâm linh hiện nay.