Ưu tiên đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Trong thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực.

Để tiếp tục thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 (mục tiêu giải ngân năm 2022 từ 95 - 100%) và cả giai đoạn 2021 - 2025, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là một trong những nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng, cần ưu tiên tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện; đặc biệt là trong hai năm 2022 - 2023, chúng ta phải giải ngân số vốn lớn hơn các năm trước (ngoài kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, còn có thêm phần vốn đầu tư công từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội). Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đối với việc thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp, lãng phí; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân vốn các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện phân bổ và giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn cho các dự án năm 2023 bảo đảm đúng thời gian quy định Luật Đầu tư công.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh phân cấp, nhất là cấp cơ sở, nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia.

Kết quả giải ngân giai đoạn 2021-2023 đạt rất thấp, áp lực giải ngân số vốn còn lại lớn

Vừa qua, Quốc hội đã thành lập các đoàn giám sát “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn Mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại phiên họp hôm , Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ sau thời gian tiến hành giám sát tại 11 bộ, ngành Trung ương và 15 tỉnh, thành phố, tại Phiên họp thứ 3 này, Đoàn Giám sát tập trung cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 25 tới. Trong đó, báo cáo khái quát kết quả đạt được của từng Chương trình và những vấn đề nổi lên, khó khăn, tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân; đề xuất giải pháp, kiến nghị để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Tại phiên họp chiều 7/8, Đoàn Giám sát đã nghe 3 Đoàn công tác báo cáo kết quả thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Các báo cáo của 3 Đoàn công tác cho thấy các địa phương đều rất quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ giải ngân kế hoạch năm 2023, tuy nhiên, có một số khó khăn lớn. Đó là kết quả giải ngân giai đoạn 2021-2023 đạt rất thấp, áp lực giải ngân số vốn còn lại lớn.

Nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình giảm mạnh, có địa phương không huy động được. Bên cạnh đó, sau 2 năm triển khai thực hiện, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo, quản lý, triển khai ở Trung ương và địa phương còn có khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Tuy nhiên, việc tháo gỡ, xử lý còn chậm, nhất là việc sửa đổi, bổ sung một số quy định, hướng dẫn chi tiết thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia còn chưa thống nhất, chưa phù hợp với pháp luật chuyên ngành, chưa bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Công điện số 71/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Đáng chú ý, việc lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình Mục tiêu Quốc gia khó thực hiện vì Chương trình Giảm nghèo bền vững, Chương trình Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và Miền núi có nguồn ngân sách Trung ương được giao chi tiết theo từng dự án; trong khi đó, Chương trình Xây dựng Nông thôn Mới căn cứ vào tổng mức kinh phí được Thủ tướng Chính phủ giao, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị thực hiện theo từng lĩnh vực chi, dự án, nội dung thành phần...

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị dự thảo Báo cáo tập trung đánh giá kết quả thực hiện từng Chương trình Mục tiêu Quốc gia và khái quát kết quả của 3 Chương trình trong công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phân tích rõ ưu điểm, khuyết điểm khi triển khai thực hiện 3 Chương trình, nhận thức của các cấp, ngành, người dân, đồng thời xác định nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Bên cạnh đó, dự thảo Báo cáo cũng cần bổ sung bài học kinh nghiệm trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia. Các kiến nghị, giải pháp trong dự thảo Báo cáo cần sát, đúng, trúng với thực tiễn.

Văn Bắc và nhóm PV, BTV