Năm 2002, Hoàng Hương Giang đồng thời được nhận suất học bổng du học tại Úc ngành quản lý du lịch - nhà hàng - khách sạn, thi đỗ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, vượt qua cuộc tuyển chọn khắt khe của một hãng hàng không. Trước ba ngã rẽ đó, chị chọn trở thành tiếp viên hàng không.
Sau 6 tháng huấn luyện, chị bắt đầu có chuyến bay đầu tiên. Công việc của tiếp viên mang tính kỷ luật và đồng đội cao, Hoàng Hương Giang thấy mình may mắn khi được rèn luyện ở môi trường nghiêm khắc này. Năm 2010, chị tiếp nhận vị trí ''tiếp viên trưởng trẻ nhất của Vietnam Airline''.
Với mong muốn lưu giữ và quảng bá nghệ thuật truyền thống của dân tộc, Hoàng Hương Giang sau 15 năm gắn bó với công việc hàng không đã từ bỏ đam mê "được bay" để thực hiện dự án táo bạo - xây dựng sân khấu múa rối nước thu nhỏ ngay giữa trung tâm TPHCM.
- Từ một tiếp viên hàng không, thu nhập khá tốt, điều gì khiến chị từ bỏ nghề nhiều người mơ ước để theo đuổi múa rối nước?
Tôi đi bay năm 18 tuổi và nghỉ việc khi 32 tuổi, đó quãng thanh xuân tươi đẹp, nhiều trải nghiệm thú vị, học được kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm.
Đến một đất nước nào đó, tôi luôn tìm hiểu về ẩm thực và văn hóa dân gian của họ. Tôi thấy người nước ngoài rất yêu thích nghệ thuật múa rối nước Việt Nam. Các đoàn khách nước ngoài luôn xếp hàng dài trước cửa hai nhà hát múa rối nước lớn nhất Hà Nội và TPHCM mỗi tối.
Thế nhưng, phường rối truyền thống nhỏ tại các làng quê lại dần biến mất và thất truyền. Điều này khiến tôi trăn trở muốn lưu giữ nét nghệ thuật truyền thống cho đời sau, mang múa rối nước trở lại sự gần gũi, dân dã. Tôi sợ rằng một ngày sẽ phải nhờ người nước ngoài giải thích cho thế hệ sau của chúng ta về nghệ thuật múa rối nước.
Tôi luôn đau đáu câu hỏi: "Tại sao người Việt có thể bỏ vài trăm, thậm chí vài triệu cho một đêm nhạc mà ngại ngần vài chục nghìn đi xem môn nghệ thuật dân tộc đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?". Tôi hiểu rằng phải có một cách tiếp cận khác để lan toả giá trị di sản này.
Khi tôi quyết định nghỉ làm tiếp viên hàng không, đó chỉ là một điểm dừng và bắt đầu hành trình mới, tập trung vào công việc F&B (kinh doanh dịch vụ ẩm thực) và theo đuổi nghệ thuật múa rối nước.
Từ những trải nghiệm của bản thân, tôi xây dựng kế hoạch đưa nghệ thuật múa rối nước dân gian vào không gian ẩm thực của mình với một sân khấu có đầy đủ nhà thủy đình, hồ nước... Thực khách sau khi thưởng thức ẩm thực, lại được xem nghệ thuật múa rối nước, đó là trải nghiệm tuyệt vời.
- Ai là người dẫn đường chỉ lối để chị theo đuổi nghệ thuật rối nước?
Được sự giới thiệu của bố - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Nhuận Kỳ, tôi gặp gỡ và trở thành học trò của nghệ nhân Phan Thanh Liêm - người khai sinh ra sân khấu rối nước mini, là truyền nhân 7 đời của dòng họ Phan nổi tiếng về múa rối nước. Thầy đã đem sân khấu này biểu diễn tại hơn 20 quốc gia.
Nhận thấy mô hình múa rối nước mini rất phù hợp với định hướng bảo tồn văn hóa dân tộc, tôi cùng các cộng sự nhiều tháng theo học nghệ nhân Phan Thanh Liêm, được dạy về các bài múa rối và tích truyện dân gian. Sau đó, thầy vào Sài Gòn dựng sân khấu múa rối nước mini.
Từ năm 2015, vở diễn múa rối nước tại đây được biểu diễn bởi chính các thành viên nhà Đậu. Các bạn quản lý sẵn sàng khoác lên mình chiếc áo của nghệ nhân, xỏ chân vào đôi ủng, bộ đồ cao su, ngâm mình trong nước để biểu diễn phục vụ thực khách.
Tất cả các hoạt động múa rối nước tại không gian của Đậu hay trường học, chúng tôi biểu diễn phi lợi nhuận, không bán vé biểu diễn. Hiện nay tôi là hội viên Hội Sân khấu TPHCM, thành viên Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc nên hiểu về định hướng, sự quan tâm và ủng hộ của nhà nước để gìn giữ nghệ thuật này.
- Đưa múa rối nước vào không gian quán ăn, có ai nói với chị đó là cách làm mạo hiểm?
Đưa múa rối nước vào không gian quán ăn phá vỡ ranh giới truyền thống của loại hình nghệ thuật này, mang nó đến gần hơn với đời sống hiện đại và thu hút nhiều đối tượng khán giả mới.
Với tôi, văn hóa và ẩm thực không thể tách rời. Việc kết hợp tạo nên trải nghiệm văn hóa và giải trí độc đáo và ấn tượng. Chúng tôi dành riêng một tầng lầu, khách sẽ được mời lên xem trước hoặc sau bữa ăn, như một hành trình trải nghiệm tổng thể không gian văn hoá và ẩm thực.
Tại không gian này, rối nước được tiếp cận tới nhiều bạn trẻ góp phần lưu giữ hình thức văn hóa nghệ thuật dân gian hiếm có của Việt Nam.
Múa rối nước cũng là công cụ giáo dục hiệu quả, giúp trẻ em tìm hiểu về văn hóa, lịch sử dân tộc một cách sinh động và thú vị.
- Hành trình theo đuổi nghệ thuật múa rối, có lúc nào chị thấy nản?
Không, tôi chưa từng thấy nản! Ngay từ đầu khi phát triển sân khấu múa rối nước tôi đã biết không dễ. Múa rối nước đã có hàng ngàn năm, ẩn sâu trong tâm thức người Việt, vấn đề tôi cần triển khai là cách tiếp cận, truyền tải gần hơn, dân dã hơn như bản chất của nó, mưa dầm thấm lâu.
- Từng xinh đẹp xuất hiện trong đồng phục áo dài trong vai trò tiếp viên hàng không, giờ ẩn sau tấm màn tre, dầm mình vào nước, sự thay đổi đó mang lại cho chị cảm giác như thế nào?
Thật sự rất mệt, mô hình sân khấu mini tuy nghệ nhân chỉ ngâm mình nửa người dưới nước, nhưng lại phải cúi, lưng luôn đau mỏi.
Tấm màn tre ngăn cách không gian sân khấu và người biểu diễn, phía ngoài nhìn vào khó thấy bên trong, nhưng từ bên trong tôi quan sát được khán giả, nghe được tiếng vỗ tay và sự phấn khích của các em nhỏ. Chỉ cần mỗi ngày từ tấm màn tre nhìn ra, thấy khách Việt Nam xem rối ngày càng đông, tôi vui lắm rồi!
- Từ bỏ nghề tiếp viên hàng không nhiều người mơ ước, theo đuổi nghệ thuật truyền thống, hành trình đó chị được gì và mất gì?
Tôi xuất thân trong gia đình Hà Nội, có truyền thống nghệ thuật lâu đời, ông nội là nhạc sĩ Hoàng Giác, bác ruột là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, bố là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Nhuận Kỳ.
Vì thế, máu văn hóa nghệ thuật đã ngấm vào tôi rất sâu từ thuở ấu thơ. Khi lớn lên, tôi nhiều năm làm tiếp viên hàng không và thường dành thời gian trống giữa những chuyến bay tìm hiểu về ẩm thực và văn hóa dân gian nơi mình đặt chân đến. Đam mê này không chỉ thời đi bay mà tôi duy trì đến tận bây giờ.
Vì thế, quyết định dừng bay theo đuổi nghệ thuật truyền thống, tôi không mất gì, mọi cố gắng bỏ ra đều xứng đáng, có chăng là hơi đau lưng một chút (cười). Niềm vui lớn nhất của tôi là được tìm hiểu múa rối nước về văn hoá dân gian, biết thêm lịch sử dân tộc, chia sẻ nó đến mọi người.
- Chị có tính chuyện đường dài cho múa rối nước lan toả hơn?
Tôi và thầy Liêm sẽ cùng cố gắng gìn giữ và phát triển môn nghệ thuật dân gian này theo cách tiếp cận gần gũi và hiện đại như hiện nay, lồng ghép vào tích trò câu chuyện mang tính thời sự...
Hàng năm, chúng tôi đều biểu diễn miễn phí ở trường học, bệnh viện, nhất là những bản làng xa xôi và tương lai vẫn tiếp tục công việc này.