Theo đó, trao đổi với độc giả Dân trí, bà Hoàng Lê Thủy, cán bộ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cho biết, hai ngày hôm nay, bản thân các cán bộ trực Tổng đài 111 nhận được rất nhiều cuộc gọi quan tâm từ khắp cả nước về vụ bé gái ở Hà Nội bị bạo hành, Tổng đài biết hay chưa? Đã hỗ trợ thế nào trong vụ việc này chưa? Bà Thủy khẳng định, các cán bộ trực tổng đài đều giải thích cụ thể cho thính giả.
Ông nội nói gì trong cuộc gọi cầu cứu?
Chị Thủy tiết lộ về cuộc điện thoại của ông nội cháu bé 3 tuổi tại Thạch Thất kêu cứu cho cháu gái của mình.
Cuộc gọi được thực hiện trong ngày 18/1, ông nội của bé gái cho biết thông tin, cháu có vật thể giống đinh ở đầu, đang cấp cứu ở bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội và nhờ cứu giúp.
Ông này cũng kể thêm, cháu bé 3 tuổi có tiền sử bị các chấn thương nghiêm trọng trong thời gian liền kề trước đó. Hồi tháng 10/2021, cháu bé bị ngộ độc thuốc trừ sâu, thập tử nhất sinh. Đến tháng 11/2021, cháu có đinh ở dạ dày. Lần thứ 3 nhập viện là có dị vật trong mũi. Và lần thứ 4 này được xác định có 9 cái đinh "lạc" trong đầu.
Đồng thời, ông cho biết hoàn cảnh gia đình, nhà nội không liên lạc được với mẹ cháu bé vì sau khi ly hôn với con trai ông này, mẹ cháu đã cắt đứt toàn bộ liên lạc với bên nội. Ông nội cháu bé mong muốn được tìm hiểu tình trạng sức khỏe hiện tại của cháu.
Ngay sau đó, cán bộ Tổng đài 111 đã đưa ra đánh giá, đây là trường hợp có dấu hiệu đặc biệt nghiêm trọng. Các dấu hiệu rất rõ ràng khi cháu bé mới chỉ 3 tuổi nhưng đã liên tục chịu tổn thương cơ thể trong một thời gian ngắn, hiện đang phải cấp cứu.
Ngay lập tức, cán bộ Tổng đài đã kết nối với trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội của Hà Nội; đề nghị trung tâm xác minh thông tin và can thiệp hỗ trợ. Sự việc sau đó đã được cơ quan chức năng, báo chí vào cuộc.
Bà Thủy chia sẻ, vụ việc này đau lòng, ám ảnh chị cùng nhiều cán bộ trực Tổng đài 111. Qua đây, nữ cán bộ đường dây nóng ghi nhận phản ánh về trẻ em mong muốn, kêu gọi mỗi người hãy lên tiếng sớm để hỗ trợ hiệu quả với trẻ em cần giúp đỡ, ngăn chặn nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, thân thể và tính mạng các bé.
Cuộc gọi từ người bán thuốc phản ánh trẻ mua thuốc ngủ
Nữ cán bộ Tổng đài 111 cũng kể không ít câu chuyện khó khăn trên con đường tiếp cận những tiếng khóc của trẻ em.
Bà Hoàng Lê Thủy cho biết, từng nhận được cuộc gọi của người hàng xóm phản ánh cháu bé 5 tuổi bị đánh khi học online. Khi chị này báo lên Tổ trưởng dân phố, người tổ trưởng đã "khuyên ngược" người phản ánh rằng, đây là việc của gia đình họ và nhắc người thông báo này "không nên quan tâm, đi sâu vào cuộc sống, gia đình của người ta như vậy".
Bà Thủy nêu vấn đề: "Có nhiều địa phương, khi chúng tôi chuyển tải thông tin xâm hại, bạo lực trẻ em thì dường như cán bộ chức năng muốn che giấu thông tin này. Nhiều lúc, chúng tôi có cảm giác phải đối đầu với chính quyền sở tại để mong muốn can thiệp vụ việc cho các cháu bé", nữ cán bộ Tổng đài 111 nêu.
Tuy nhiên, bà Thủy cũng kể về niềm hạnh phúc khi công việc của chị được người dân sẻ chia và giúp sức. Câu chuyện được kể với sự cảm kích chân thành với một hành động đầy trách nhiệm, tình người.
"Vào tuần trước, khi ấy là hơn 23h đêm, có một người đàn ông gọi điện đến Tổng đài 111 nói là anh phát hiện một đứa trẻ 14 tuổi đang có ý định tự tử. Đây là trường hợp trẻ có bố mẹ ly hôn, mỗi người giờ đã có gia đình riêng, cô gái về ở với bà nội và họ hàng bên nội. Tuy nhiên, vì cách giáo dục chưa phù hợp, cô gái trẻ bỏ nhà đi hồi tháng 11/2021".
Anh này tường thuật: "Khi bỏ đi, cô bé được người mẹ sống ở TPHCM gửi cho một chút tiền. Khi đó, cô có ý định sẽ dùng số tiền này để vào TPHCM với mẹ. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên cô phải thuê một căn nhà ở địa phương nơi mình sinh sống đợi tới lúc có thể được vào".
Theo lời bà Thủy, sau đó, do hết tiền nên cô gái bị chủ nhà đuổi đi. Vì nghĩ quẩn nên cô gái quyết định dùng nốt số tiền còn lại đi mua thuốc tự tử. Và người gọi tới Tổng đài 111 chính là người thanh niên ở cửa hàng thuốc, khi phát hiện sự việc.
Bà Thủy cho biết, người đàn ông này, sau cuộc gọi, đã không bỏ đứa trẻ đi mà nán lại bên cạnh, động viên em.
"Khi tôi tìm được cơ quan, cá nhân có thể hỗ trợ em tốt nhất thì anh này đã đưa được cô bé đó đến trung tâm bảo trợ xã hội, để cô gái có nơi ở an toàn ngay trong đêm hôm đó. Rồi anh tiếp tục hỗ trợ, vỗ về, động viên em cùng chúng tôi, giúp cô bé từ bỏ ý định tự tử", bà Hoàng Lê Thủy chia sẻ.
Nữ cán bộ trực Tổng đài 111 báo tin vui: "Trong tuần này, gia đình cô gái đã nhận em về. Họ nhận ra rằng, sự sao nhãng, không quan tâm có thể khiến họ mất con trong giây lát. Họ đã khóc rất nhiều khi nhận thông tin từ chúng tôi".
Bà Thủy gửi gắm thông điệp: "Nếu ai cũng quyết định hành động có trách nhiệm như người đàn ông này thì chúng tôi cảm thấy được chia lửa, động viên, đồng hành rất nhiều trong công cuộc bảo vệ trẻ em. Thực tế, bên cạnh những người có trách nhiệm, có tâm như thế, cũng có nhiều cuộc gọi chỉ... cho có, rằng thấy trẻ em bị bạo lực, anh chị nhanh nhanh đến mà giải quyết… khi hỏi thêm thông tin thì người phản ánh bảo "tự đi mà tìm hiểu", họ "chỉ thông báo vậy thôi". Không có sự vào cuộc, chung tay của tất cả mọi người thì công việc của chúng tôi hay hoạt động của Tổng đài 111 cũng không đạt được hiệu quả cao nhất".
Theo Dântrí
Chuyên gia tội phạm chỉ ra nguyên nhân các vụ bạo hành trẻ em
Trung tá Đào Trung Hiếu phân tích đặc điểm tâm lý thủ phạm các vụ bạo hành trẻ là thói quen dùng bạo lực để giải tỏa bức xúc tâm lý trong giao tiếp, coi thường pháp luật.