Trong suốt mùa hè năm 2016, tài khoản TikTok của Richards đã thu hút 26.000 người theo dõi. Các video của cậu hầu như chẳng có gì đặc biệt cả, chủ yếu là cảnh Richards nói chuyện phiếm với bạn bè. "Nội dung của tôi là một bad boy cá tính," cậu chia sẻ với MarketWatch.

Tuy vậy, những video đó lại rất thành công. Hiện Richards có 11,4 triệu người theo dõi trên TikTok và 2,9 triệu người theo dõi trên Instagram.

Jaden Hossler, 18 tuổi, cũng bắt đầu dùng TikTok vào tháng 2/2019. Giống như Richards, Jaden Hossler làm các video nội dung đơn giản là tán gẫu, pha trò với bạn bè. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, cậu đã có 3,7 triệu người theo dõi trên nền tảng xã hội này và 1,5 triệu người theo dõi trên Instagram.

{keywords}
 

Kiếm tiền và làm giàu trên TikTok bây giờ, với người trẻ, đặc biệt là gen Z, chẳng có gì lạ. Ngay cả khi không có tham vọng thành triệu phú, với gen Z, TikTok cũng là một trong những nền tảng xã hội đầy triển vọng cho việc sáng tạo nội dung.

Dù thế, kiếm tiền trên TikTok có dễ?

Lãnh địa của gen Z

Hơn một nửa người dùng trong độ tuổi 13 đến 20. Vì thế, nền tảng này được coi là lãnh địa của gen Z.

Chuyên gia đánh giá, TikTok hấp dẫn gen Z vì chính thiết kế ban đầu của ứng dụng này. Nó tập trung vào video dạng ngắn, dễ sử dụng, dễ lan truyền. Nó cũng hoàn toàn đáp ứng mong muốn khởi nghiệp và trở thành người sáng tạo của gen Z.

Thực tế, gen Z đã "chứng kiến rất nhiều nền tảng video xuất hiện rồi biến mất, nhưng những nền tảng tạo được tiếng vang lớn là những nền tảng cho phép thế hệ này thể hiện bản thân," Drake Rehfeld, giám đốc của Ntwrk cho biết, trên Digiday. Các công cụ chỉnh sửa của TikTok rất dễ sử dụng và do đó "tỷ lệ những người dùng TikTok cao hơn so với những nền tảng khác".

Cũng theo Digiday, Madison Bregman, Giám đốc điều hành của GirlZ khẳng định: "TikTok là một nền tảng nơi mà những người trẻ đều muốn trở tự thân kinh doanh hoặc người có ảnh hưởng và việc thu hút lượng người theo dõi trên TikTok dễ dàng hơn so với trên YouTube".

{keywords}
(Nguồn: YPulse Surveys).

Tiffany Zhong, CEO của Zebra IQ, cho biết TikTok giúp những người có ảnh hưởng thế hệ Z dễ dàng lan truyền bài đăng của họ. Charli D'Amelio, một vũ công mới bắt đầu sử dụng TikTok vào năm ngoái, là một ví dụ hoàn hảo cho điều này. Trong vòng chưa đầy một năm, D'Amelio đã thu hút được gần 24 triệu người theo dõi trên TikTok và xuất hiện trong một quảng cáo Super Bowl vào khung giờ vàng cho Sabra.

Connor Blakley, một nhà tư vấn marketing, thì nói, động lực để gen Z tìm cách tạo ra nội dung lan truyền hoặc trở thành người có ảnh hưởng trên TikTok không phải vì họ có cảm giác không an toàn, mà họ muốn cảm thấy tốt và chia sẻ điều này với những người khác. "Gen Z hiểu rằng mạng xã hội giống như một cuộn phim và chúng tôi chọn thể hiện những gì chúng tôi cảm thấy tốt nhất. Chúng tôi muốn lan tỏa sự tự tin đến mọi người. "

{keywords}
 

Làm giàu có dễ

Charli D'Amelio, Addison Rae, Loren Grey - những người trẻ trở nên giàu có chỉ sau một đêm - và họ chính là chủ đề nóng nhất trong giới truyền thông xã hội và người có ảnh hưởng.

Vào năm 2020, Forbes đã đề cập đến mức lương của những người có ảnh hưởng thành công nhất, ước tính rằng Addison Rae kiếm được khoảng 5 triệu USD với TikTok. Charli, ngôi sao TikTok có thu nhập cao thứ hai, đã kiếm được khoảng 4 triệu USD từ năm 2019 đến năm 2020 và Loren khoảng 2,6 triệu USD chỉ trong một năm.

{keywords}
(Ảnh: Getty Images)

Ngày càng có nhiều người trẻ, đặc biệt là gen Z, dùng nền tảng này để kiếm tiền. Họ bán hàng, cộng tác với các thương hiệu hoặc đưa ra những lời khuyên cho những người theo dõi họ. Nhưng làm giàu không dễ. Việc kiếm được tiền hay không phụ thuộc rất nhiều vào tính hữu ích của các thông tin cũng như chất lượng nội dung.

Hossler và Richards, hai chàng trai trẻ được nhắc đến ở phần đầu bài viết, đã rời nhà đến sống toàn thời gian ở L.A, Mỹ. Cùng với 4 người khác, họ sống trong một nơi được gọi là Sway Home, ngôi nhà chung của những người có ảnh hưởng trên TikTok. Họ sẽ dành cả ngày để cùng nhau làm video đăng trên nền tảng này. Hossler đã tốt nghiệp trung học, còn Richards đang là sinh viên năm cuối.

Nhưng họ kiếm tiền bằng cách nào?

Thực tế, TikTok không hoạt động giống như YouTube. Nền tảng này không trả cho người sáng tạo bất kỳ khoản tiền nào. Thay vào đó, các nghệ sĩ âm nhạc trả tiền cho việc quảng bá bài hát và các thương hiệu trả tiền cho việc quảng bá sản phẩm.

Richards và Hossler đã có thể kiếm tiền trên ứng dụng. Họ hy vọng sẽ tiếp tục mở rộng sang các nền tảng xã hội khác. "Cách đầu tiên tôi bắt đầu kiếm tiền trên TikTok là phát trực tiếp và nhận quà", Richards giải thích.

{keywords}
 

Khi người sáng tạo TikTok bắt đầu phát trực tiếp, ứng dụng sẽ cung cấp cho người xem tính năng gửi "quà tặng" bằng tiền cho những người sáng tạo này. Quà tặng tích lũy trong một ví ảo được tích hợp trong ứng dụng và người sáng tạo sau đó có thể thu thập số tiền mà họ đã nhận được. TikTok sẽ cắt số tiền này và người sáng tạo có thể nhận được phần còn lại trong tài khoản PayPal của họ.

"Đây là cách mà rất nhiều người dùng TikTok đã kiếm tiền," Hossler nói.

Khi Richards và Hossler thu hút được nhiều người theo dõi hơn trên TikTok, các thương hiệu đã bắt đầu tiếp cận họ và trả tiền để họ quảng cáo sản phẩm của mình. Cả hai cho biết họ đã làm video cho thương hiệu Crocs và gần đây là cho Ứng dụng Cash. Richards và Hossler không tiết lộ họ kiếm được bao nhiêu cho video nhưng nói rằng tỷ lệ phụ thuộc vào thương hiệu và số lượt xem trung bình trên mỗi video.

Do mức độ phổ biến của quà tặng ngày càng giảm, Richards và Hossler tin rằng thanh toán cho các vị trí bài hát là cách kiếm tiền phổ biến nhất trên ứng dụng. Mỗi video trên TikTok dài 15 giây bao gồm một bài hát trong nền. Video càng nhận được nhiều lượt xem thì bài hát càng được chú ý. Các nghệ sĩ muốn nhanh chóng tăng mức độ phổ biến của một bài hát mới sẽ trả tiền cho những TikToker nổi tiếng để đưa bài hát đó vào video của họ. Richards và Hossler đã quảng cáo nhiều bài hát trên ứng dụng này.

{keywords}
(Ảnh: Getty Images).

Ngoài TikTok, Richards và Hossler tổng cộng có 4,4 triệu người theo dõi trên Instagram. Họ cũng có các kênh YouTube, nơi họ tin rằng có thể đa dạng hóa lượng người theo dõi và kiếm thêm một nguồn thu nhập khác.

Nhìn về tương lai, Hossler hy vọng sẽ phát hành âm nhạc và trở thành "ngôi sao nhạc rock lớn nhất thế giới", trong khi Richards muốn tập trung vào khía cạnh kinh doanh của mạng xã hội.

Một người sáng tạo trẻ khác là @pokubanks thì sử dụng nền tảng để chia sẻ các kiến thức về tài chính.

{keywords}
David Poku với các video hướng dẫn người xem cách xác định những thông tin không chính xác (Ảnh: TikTok David Poku).

David Poku, 20 tuổi, bắt đầu tạo video tài chính cá nhân trên TikTok vào tháng 1/2020 và tự hào có hơn 330.000 người theo dõi. Cậu bắt đầu quan tâm đến tiền "vì không có kiến thức về tài chính ở trường học" như cậu đã chia sẻ.

Cậu nhận ra rằng mình chưa bao giờ học về thuế, đầu tư hay nợ, vì vậy cậu đã tự học và đăng ký học tài chính, kế toán và quản lý tại Đại học Nottingham. "Theo nghĩa đen, tôi tạo ra một số nội dung của mình từ các bài giảng của mình," cậu nói trên The Guardian.

Video điển hình của Poku có phong cách trò chuyện, hỏi và trả lời.

Sau vụ sụp đổ tiền điện tử, Poku đã xuất bản một video trong đó cậu đóng vai một "nhà đầu tư ngây thơ" trong bộ đồ thể thao màu đen và một "nhà đầu tư có kinh nghiệm" trong một chiếc áo phông trơn. Cậu đã khám phá câu hỏi liệu những người đã mua tiền điện tử nên bán đồng tiền của họ với giá thấp hay vượt qua làn sóng đầu cơ.

Nhân vật nhiều kinh nghiệm hơn nói với người kia: "Chỉ đầu tư những gì bạn có thể đủ khả năng để mất". Poku nói rằng cậu tổng kết trí tuệ của những doanh nhân thành danh như Warren Buffett, "và thêm kinh nghiệm của riêng tôi giúp mọi người hiểu hơn thông điệp đó", The Guardian dẫn lời.

Poku cảnh báo những rủi ro của lời khuyên trực tuyến không được kiểm soát. Vì vậy, những video của TikToker này tìm cách hướng dẫn người xem cách xác định thông tin công kích. Một video gần đây được đánh dấu bằng hashtag #FactCheckYourFeed là một phần của chiến dịch của trang web và tổ chức từ thiện Citizens Advice. Các video trong chiến dịch #FactCheckYourFeed bao gồm các thuật ngữ tài chính, phương pháp nghiên cứu và cách đưa ra quyết định sáng suốt.

Video trên TikTok của Poku thu hút một lượng lớn người xem, đem về cho cậu một khoản thu nhập khá. Nhưng hơn hết, cậu muốn chia sẻ kiến thức và giúp đỡ các bạn trẻ khác sử dụng đồng tiền một cách thông minh.

Thực tế, cả TikToker và thương hiệu đều có thể sử dụng tiềm năng to lớn của nền tảng này để tạo ra tiếng vang, song có một số điểm cần lưu ý.

Chẳng hạn như cần thiết phải chia sẻ nội dung khuyến khích người khác phản hồi hoặc quảng bá nội dung đó một cách đại trà, do nền tảng này dựa trên sự tương tác. Bên cạnh đó, điều quan trọng là phải xem xét các giá trị và lợi ích của gen Z, chia sẻ nội dung phù hợp với nhóm này. Cuối cùng, kiếm được tiền hay không cũng phụ thuộc vào chiến lược đúng đắn để kiểm tra và xem khán giả nào hứng thú với các nội dung, dạng video được chia sẻ.

Mặt trái của làm giàu trên TikTok

TikTok, Instagram, Snapchat, Facebook hay bất cứ nền tảng  hay mạng xã hội nào đều kết nối mọi người và cũng mang lại không ít lợi ích cho người dùng. TikTok thực sự là một ứng dụng thú vị, cũng là một nơi tuyệt vời để kết bạn và tạo các mối quan hệ mới. Hơn nữa, người dùng đã chứng minh rằng TikTok là một cửa hàng sáng tạo tốt cũng mang lại tiềm năng kiếm tiền.

Dù vậy, đối với một số người dùng nhất định, những nền tảng đó có thể "gây nghiện" và thậm chí là gây nguy hiểm. Rất nhiều người dùng, đặc biệt là trẻ em, đã bị thương, thậm chí tử vong khi bắt chước các thử thách trên mạng xã hội. 

Một cậu bé 12 tuổi ở Oklahoma, Mỹ đã chết sau khi tham gia thử thách "Blackout Challenge" trên TikTok -  thử thách "buộc người chơi làm mình ngạt thở đến mức ngất đi, sau đó tỉnh lại với cảm giác hưng phấn".

Hay vào tháng 6, cậu bé 9 tuổi LaTerius "TJ" Smith Jr ở Tennessee, Mỹ được tìm thấy đã chết trong phòng ngủ của mình và vào tháng 4, Joshua Haileyesus, 12 tuổi ở Colorado, Mỹ được tìm thấy đã chết trong phòng tắm của mình. Haileyesus được mô tả là "thông minh, hài hước, chu đáo và có năng khiếu", trên trang GoFundMe lập cho gia đình cậu.

Theo các báo cáo gần đây, ước tính có khoảng 32,5% người dùng TikTok ở độ tuổi từ 10 đến 19. Thực tế là TikTok có chứa một số nội dung không phù hợp, đặc biệt là đối với những người ở độ tuổi đó. Mặc dù TikTok cung cấp quyền kiểm soát cho phụ huynh, nhưng quyền này lại không được sử dụng phổ biến. Điều này khiến giới trẻ có thể quảng bá và xem các video nằm ngoài độ tuổi của họ. Phải nhắc lại, vấn đề này không chỉ bắt gặp trên TikTok.

Những thách thức về internet đã bùng nổ trên các phương tiện truyền thông xã hội, từ an toàn cho đến nguy hiểm, rồi thậm chí chết người. Một số đem đến những thứ tốt lành và vui vẻ, một số khác lại gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng.

Đại dịch Covid-19 cũng đã làm gia tăng đáng kể việc sử dụng công nghệ trên diện rộng, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên. Người trẻ có xu hướng chuyển sang sử dụng mạng xã hội như một phương tiện để kết nối với những người khác và kiếm thêm thu nhập. Và mặc dù mạng xã hội đem lại nhiều lợi ích, nhưng nó đã khiến cho nhiều người bị cô lập, thậm chí trầm cảm và trở nên nghiện ngập.

Mạng xã hội cũng làm gia tăng khoảng cách giữa người trẻ với những người thân và bạn bè bởi vì họ dành gần như tất cả thời gian để sống trên mạng xã hội, để làm video TikTok. Nói cách khác, nền tảng này đang giết chết đời sống xã hội của họ. TikTok làm lãng phí thời gian của không ít bạn trẻ. Tiêu tốn quá nhiều thời gian cho TikTok khiến làm giảm đi tính hiệu quả của các công việc khác.

{keywords}
Giới trẻ ngày càng nghiện TikTok (Ảnh: Wall Street Journal).

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu chứng minh mạng xã hội ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của người dùng. Người dùng có thể gặp phải những vấn đề như quấy rối, lạm dụng và bắt nạt trên mạng. Nhưng thực tế thì vấn đề còn nghiêm trọng hơn.

Ví dụ, để thu hút người xem, nhiều TikToker đăng tải các video có nội dung "được cho là vô bổ" và "độc hại" như khiêu dâm hay bạo lực. Điều này gây ra hậu quả lớn trong thế giới thực cho người dùng, đặc biệt là đối với những người dùng trẻ. Dĩ nhiên, ngoài TikTok thì các mạng xã hội khác như YouTube, Facebook, Twitter, Instagram... cũng đều có thể chứa những nội dung không phù hợp.

Việc tham gia vào các phương tiện truyền thông xã hội là điều không thể tránh khỏi trong thời đại ngày nay vì đó là nơi giúp con người kết nối với nhau. Sẽ là tốt tốt nếu chúng ta sử dụng các nền tảng này để giải trí và nâng cao hiểu biết, nhưng điều quan trọng là người dùng phải quan tâm hơn đến những thứ mà họ chia sẻ, không chỉ trên TikTok mà còn trên các nền tảng trực tuyến khác. 

(Theo Dân Trí)

'Tôi từ chối lời mời làm việc lương 139.000 USD ở TikTok'

'Tôi từ chối lời mời làm việc lương 139.000 USD ở TikTok'

Nhiều người ở Anh không tham gia các cuộc phỏng vấn tuyển dụng của TikTok, thậm chí từ chối lời mời làm việc với thu nhập cao sau khi nghe về môi trường làm việc độc hại tại đây.