Trong năm 2021, năm nhà sáng tạo nội dung có thu nhập cao nhất trên TikTok đã thu về tổng cộng 55,5 triệu USD, tăng 200% so với năm 2020. Họ đã ký hợp đồng với Netflix và Hulu, biểu diễn tại Madison Square Garden, có ca khúc trên bảng xếp hạng nhạc pop của Billboard và một người thậm chí đã viết sách.
Điều đáng ngạc nhiên là họ đã làm tất cả những điều này trong một khoảng thời gian ngắn. Đó là điều kỳ diệu mà TikTok mang lại và đó là lý do tại sao rất nhiều người có hoài bão trở thành ngôi sao TikTok để nhanh chóng trở nên giàu có.
Tuy nhiên, TikTok giống như “con dao hai lưỡi” mang lại những lợi ích nhưng cũng chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho những người ảnh hưởng trên nền tảng.
Dễ dàng trở nên nổi tiếng
Lợi thế đầu tiên của TikTok đó là giúp cho người dùng dễ dàng trở nên nổi tiếng. Trên các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, Instagram hay YouTube người dùng phải mất hàng tháng, thậm chí là hàng năm trời để xây dựng một kênh riêng và thu hút lượng khán giả lơn. Nhưng thuật toán độc quyền duy nhất của TikTok giúp các video được đăng tải dễ dàng lan truyền và tăng lượng người theo dõi một cách đáng kinh ngạc.
Thuật toán của TikTok hoạt động dựa trên nội dung người dùng thả tim và thời lượng xem các video tương tự. Người dùng xem một người sáng tạo hoặc một thể loại video cụ thể càng lâu thì thuật toán càng đề xuất chính xác các nội dung tương tự lên trang chủ. Điều này rất quan trọng với những người sáng tạo nội dung đặc biệt là những người dùng mới.
TikTok được thành lập vào năm 2017 và nó đã chứng kiến sự gia tăng vượt bậc trong tốc độ tăng trưởng người dùng. Hiện đã có hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới sử dụng TikTok. Nền tảng vẫn đứng sau Instagram và Facebook, nhưng khoảng cách đó đang dần thu hẹp.
Theo nghiên cứu của InsiderIntelligence, TikTok hiện đang là ứng dụng phổ biến nhất với những người dùng trẻ thuộc thế hệ gen Z (18-24 tuổi). Thuật toán kỳ diệu của TikTok đã thiết lập nó như một điểm đến giải trí vì thế trong tương lai gần TikTok có thể sẽ bắt đầu thống trị toàn cảnh mạng xã hội. Do đó, đây sẽ là một nền tảng mang lại nhiều cơ hội cho nhiều nhà sáng nội dung.
Không cần quá nổi tiếng vẫn có thể kiếm tiền
Micro-influencer là những người ảnh hưởng có lượng fan nhỏ, từ 10.000 đến 50.000 người theo dõi. Điều quan trọng là các thương hiệu đã bắt đầu hướng đến nhóm đối tượng này vì họ đề xuất mức phí quảng cáo thấp hơn và chuyên về một chủ đề cụ thể.
Những người ảnh hưởng nhỏ cũng có tỷ lệ tương tác cao hơn đáng kể trên TikTok, tỷ lệ tương tác trung bình là 17,96% trong khi những người có ảnh hưởng lớn là 4,96%.
Sự hấp dẫn tăng lên khi các thương hiệu nhận ra rằng những micro-influencer có nhiều khả năng kết nối với công chúng, khiến khán giả cảm thấy chân thật. Người tiêu dùng muốn có cảm giác như họ đang nhận được các đề xuất được cá nhân hóa từ một người bạn, chứ không phải một người quá nổi tiếng có hàng triệu lượt theo dõi.
Theo Influencer Marketing Hub, những micro-influencer trên TikTok đã kiếm được từ 25 đến 125 USD cho mỗi bài đăng quảng cáo vào năm 2021. Một người có ảnh hưởng tầm trung với 50.000 đến 500.000 người theo dõi kiếm được từ 125 đến 1.250 USD cho mỗi bài đăng.
Nguy cơ kiệt sức
Bên cạnh lợi ích là những nguy cơ tiềm ẩn. Một trong những điều nguy hại khi trở thành người ảnh hưởng trên TikTok đó là người sáng tạo sẽ phải đối mặt với “Cancel culture”, làn sóng bài trừ một nhân vật nổi tiếng khi họ khiến công chúng phật lòng. Trở thành người có ảnh hưởng trên TikTok có nghĩa là bạn sẵn sàng thể hiện mình trước hàng triệu người lạ. Vì vậy thực sự có rủi ro khi làm hoặc nói điều gì đó có khả năng gây khó chịu, ngay cả khi bạn có động cơ tốt.
Ngoài ra, những người ảnh hưởng trên TikTok có nguy cơ kiệt sức cao. Nếu bạn đọc bất cứ điều gì về cách trở thành người có ảnh hưởng trên TikTok, bạn sẽ thấy điều tương tự lặp đi lặp lại: đăng bài ít nhất 1-3 lần/ngày và những TikToker thành công nhất đăng 15-20 bài/ngày.
Mặc dù một video trên TikTok trung bình chỉ dài chưa đến một phút, để tạo ra nhiều nội dung như vậy người sáng tạo phải cần rất nhiều thời gian và công sức để quay, dựng video, tương tác với khán giả cũng như quản lý các công việc kinh doanh.
Thuật toán của TikTok nhanh chóng mang lại sự nổi tiếng, nhưng điều đó chỉ xảy ra nếu bạn sẵn sàng làm việc với nó và liên tục cung cấp nội dung mới.
Một trong những ngôi sao nổi tiếng nhất của TikTok, Charli D’Amelio, người có hơn 136,8 triệu người theo dõi, thừa nhận vào năm 2021 rằng cô ấy đã “mất niềm đam mê” với TikTok. D’Amelio không đơn độc. Spencewuah, một người sáng tạo với hơn 11 triệu người theo dõi, đã tạm dừng nền tảng này vào năm 2021 sau các vấn đề với người hâm mộ BTS.
Nguy cơ kiệt sức càng cao khi bạn phải đối mặt với các vấn đề như bắt nạt, quấy rối, phân biệt đối xử và đánh cắp nội dung. Những người sáng tạo TikTok nên học cách cân bằng công việc với sức khỏe tinh thần, đặc biệt là khi TikTok trở thành một nguồn thu nhập.
Môi trường độc hại
Vào năm 2021, Wall Street Journal đã xuất bản một báo cáo về cách thuật toán của TikTok gây ảnh hưởng tiêu cực đến thanh thiếu niên, dẫn đến chứng rối loạn ăn uống hoặc hoặc làm cho những căn bệnh nền trở nên tồi tệ hơn. TikTok ngay lập tức phản hồi bằng một thông báo rằng họ sẽ thử nghiệm các thay đổi đối với thuật toán của mình để ngăn chặn dòng nội dung có vấn đề như về giảm cân hay sự cô đơn.
Ngay cả khi bạn không chủ đích tạo những nội dung thúc đẩy hành vi tự làm hại bản thân, các nền tảng như TikTok vẫn có thể tự so sánh và đề xuất. Đó là một môi trường nguy hiểm cho cả người sáng tạo và người dùng.
Mối quan tâm về việc mạng xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người dùng không phải là mới, nhưng đó là điều bạn nên phải cân nhắc trước khi quyết định dành thời gian và tâm huyết để trở thành một TikToker.
Hương Dung (Theo Forbes)