Với các video ngắn có nội dung là những điệu nhảy bắt mắt hay lồng tiếng hài hước, đây là một trong những ứng dụng được sử dụng nhiều nhất ở các nước phương Tây, ăn sâu vào văn hoá của một thế hệ thanh niên.
Về khía cạnh này, TikTok khó có thể được coi là một nguy cơ đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề của nền tảng chủ yếu đến từ việc nó thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc.
ByteDance, một lần nữa trở thành trung tâm của cơn bão địa chính trị khi các chính phủ ở Bắc Mỹ và châu Âu áp đặt hạn chế mới, đồng thời xem xét cấm hoàn toàn nền tảng chia sẻ video của công ty phát triển, do lo ngại nó có thể trở thành công cụ thu thập dữ liệu người dùng.
Tại Mỹ, những lo lắng đã âm ỉ kể từ khi gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc trả 1 tỷ USD thâu tóm ứng dụng Musical.ly vào năm 2017, hợp nhất nền tảng này với TikTok để phục vụ cho người dùng cơ sở tại đây.
Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (Cfus), đã mở cuộc điều tra về thương vụ mua lại vào năm 2019, chỉ vài tháng sau khi chính quyền Trump đưa tập đoàn viễn thông Huawei vào “danh sách thực thể”, cho rằng mạng di động 5G của công ty Trung Quốc này có khả năng đe doạ an ninh quốc gia Mỹ.
Khi TikTok bắt đầu trở nên phổ biến vào mùa hè năm 2020, Tổng thống D. Trump tuyên bố sẽ cấm ứng dụng này dựa trên lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng nền tảng để “xây dựng hồ sơ thông tin cá nhân nhằm tống tiền và thực hiện hoạt động gián điệp thương mại”.
Làn sóng cấm sử dụng dâng cao
Trong tuần vừa qua, Nhà Trắng yêu cầu các cơ quan liên bang trong vòng 30 ngày phải xoá TikTok khỏi các thiết bị và hệ thống liên bang nhằm bảo mật dữ liệu. Hơn một nửa số bang tại Mỹ cũng thực hiện động thái tương tự.
Tiếp sau đó, Canada cũng tuyên bố các thiết bị của chính phủ cấp không được sử dụng ứng dụng chia sẻ video ngắn nêu trên, nói rằng nó gây ra rủi ro “không thể chấp nhận được” với quyền riêng tư và bảo mật.
Tháng trước, 3 cơ quan quyền lực nhất của châu Âu (Nghị viện, Ủy ban châu Âu và Hội đồng EU), đã cấm nhân viên sử dụng TikTok.
Mặc dù dự luật cấm hoàn toàn ứng dụng này còn gây tranh cãi. Nhưng thông điệp của phe diều hâu tại Quốc hội Mỹ là rất rõ ràng: TikTok giống như Huawei, là mối đe doạ cần phải ngăn chặn.
“Bất kỳ ai tải xuống TikTok trên thiết bị của họ đều đã mở một cửa hậu dẫn đến truy cập thông tin cá nhân của họ. Đây là một quả bóng do thám (đề cập tới 1 khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị bắn hạ tại Mỹ) trong điện thoại của người dân”, Michael McCaul, chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện cho hay.
Mối liên hệ đằng sau
TikTok khẳng định nó tách biệt với chủ sở hữu ByteDance trụ sở ở Trung Quốc, nhưng không thể phủ nhận công ty mẹ có kiểm soát chặt chẽ với nền tảng đẻ trứng vàng này.
Trong khi đó, thông qua các phương tiện đầu tư, chính phủ Trung Quốc có 1% cổ phần tại ByteDance, từ đó có khả năng chi phối với nội dung trên Douyin, phiên bản nội địa của TikTok tại đây.
Không chỉ vậy, Wu Shugang, quan chức của chính phủ có quan điểm cứng rắn với sự xâm nhập của văn hoá giá trị phương Tây, cũng được chỉ định giữ 1 trong 3 giám đốc tập đoàn công nghệ này.
Chưa dừng lại, theo quy định, các công ty Trung Quốc có thể bị yêu cầu phải tiết lộ dữ liệu cho nhà nước, cũng như hạn chế chuyển dữ liệu nhạy cảm qua biên giới.
TikTok cho biết họ chưa từng và sẽ không bao giờ cung cấp dữ liệu cho chính phủ. Tuy nhiên, ngày 22/12, công ty thừa nhận các nhân viên tại Đại lục và ở Mỹ đã truy cập dữ liệu người dùng một cách không thích hợp. Ít nhất 2 phóng viên, trong đó có 1 nhà báo của FT được cho là đã bị theo dõi định vị và thu thập thông tin cá nhân.
Nỗ lực thuyết phục giới lập pháp
Dự án Texas là kế hoạch lớn của TikTok nhằm xoa dịu mối lo ngại của các nhà lập pháp, và để đảm bao tương lai của công ty, xoay quanh nỗ lực cho thấy các dữ liệu người dùng được lưu trữ và tiếp cận độc lập khỏi Trung Quốc.
Tại châu Âu, TikTok dự định mở 3 trung tâm máy chủ mới để lưu trữ dữ liệu của hơn 150 triệu tài khoản người dùng tại đây, thay vì ở Mỹ và Singapore như trước kia. Tại Mỹ, TikTok chi hơn 1,5 tỷ USD tái cấu trúc công ty thông qua quan hệ đối tác với tập đoàn phần mềm đám mây Oracle.
Trong những tháng tới, dữ liệu người dùng sẽ được định tuyến tới Oracle Cloud và dữ liệu người dùng mới được lưu trữ độc quyền trên máy chủ của nhà cung câp này. Oracle đã bắt đầu nghiên cứu mã nguồn của TikTok, kiến trúc công nghệ nền tảng ứng dụng để đánh giá rủi ro bảo mật.
Theo các đề xuất hiện tại, các bên thứ 3 gồm Cfius và chính phủ Mỹ, có thẩm quyền phê duyệt với hoạt động kinh doanh của TikTok.
Ngoài ra, ứng dụng này cũng thành lập công ty con TikTok US Data Security, điều hành bởi Ban giám đốc độc lập, những người giám sát nhóm nhân viên kỹ thuật, vận hành sản phẩm, tin cậy & an toàn, pháp lý, quyền riêng tư & bảo mật.
Công ty ước tính các đề xuất sẽ tiêu tốn khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, gồm trả lương cho nhân viên, kiểm toán bên thứ ba và thanh kiểm tra mã nguồn. TikTok cho biết đây là những biện pháp “vượt xa khỏi những gì mà các đối thủ ngang hàng đang thực hiện”.
Song kết quả đàm phán giữa chính phủ Mỹ và TikTok vẫn đang rơi vào bế tắc. Thu thập dữ liệu không phải mối quan tâm duy nhất của các nhà lập pháp.
“Bắc Kinh chi phối thuật toán xác định những gì người dùng ngoài Trung Quốc có thể thấy”, Mark Warner, chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện nói. “Nếu bạn nhìn vào những gì trẻ em Trung Quốc đang xem trên phiên bản TikTok của họ, vốn nhấn mạnh vào khoa học và kỹ thuật, so với những gì con em chúng ta và trẻ em trên khắp thế giới đang xem, thì nó có sự khác biệt đáng kể. Bởi vậy, bên cạnh việc thu thập dữ liệu, thì đây cũng là công cụ tuyên truyền tiềm tàng”.
Nhằm xoa dịu lo ngại này, TikTok thông báo giới hạn thời gian sử dụng ứng dụng với các tài khoản dưới 18 tuổi. Nhưng giới phân tích cho hay một số biện pháp mà nền tảng này đưa ra chủ yếu mang tính hình thức và người dùng có thể dễ dàng vượt mặt, chẳng hạn như khai man tuổi hoặc tự đặt thời gian giới hạn cho bản thân.
Thế Vinh (Theo FT, Reuters, Independent)