TikTok mới đây đã ra mắt dịch vụ live-shopping tại khu vực Bắc Mỹ và có kế hoạch thuê đối tác bên ngoài quản lý hoạt động sau khi thử nghiệm của nền tảng này đối với lĩnh vực mua sắm điện tử tại Vương quốc Anh gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, TalkShopLive, công ty trụ sở Los Angeles sẽ trở thành đối tác đưa TikTok Shop vào thị trường Mỹ. Công ty chịu trách nhiệm cung cấp công nghệ cơ bản, hỗ trợ các livestream của người nổi tiếng, thương hiệu và nhà bán lẻ muốn bán sản phẩm trên ứng dụng.
TikTokShop cho phép người dùng mua hàng qua các liên kết trên màn hình của ứng dụng trong những buổi livestream. Tính năng này đã xuất hiện tại các thị trường châu Á như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Philippines và Indonesia trước khi ra mắt tại Anh vào năm ngoái.
Mô hình này chứng tỏ khả năng lợi nhuận với ứng dụng “chị em” của TikTok ở Trung Quốc là Douyin, nền tảng đạt doanh số 300% so với cùng kỳ năm ngoái tính tới tháng 5 vừa qua. Theo thống kê, đã có hơn 9 triệu buổi bán hàng trực tiếp được phát sóng hàng tháng, với số lượng hàng bán ra đạt hơn 10 tỷ sản phẩm.
Dù vậy, TikTok vẫn đang gặp khó bên ngoài thị trường châu Á. Đầu năm nay, công ty có kế hoạch phát hành tính năng mua sắm tại châu Âu nhưng đã trì hoãn do thử nghiệm tại thị trường Anh không đạt mục tiêu doanh số và nhiều tên tuổi, thương hiệu lớn từ chối tham gia.
Trong khi đó, TalkShopLive có 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại trực tiếp, hỗ trợ hàng ngàn buổi phát trực tiếp mỗi năm và là đối tác cung cấp nền tảng kỹ thuật cho các khách hàng tên tuổi như Walmart và Microsoft MSN Shopping.
“TikTok muốn một giải pháp trọn gói, có thể giúp quản lý quy trình mua sắm trực tiếp”, nguồn tin của Financial Times cho biết. Tính năng dự kiến sẽ được phát hành vào tháng tới cùng các thương hiệu lớn trước kỳ nghỉ lễ và TalkShopLive sẽ tính phí khoảng 10% dựa trên doanh số bán hàng livestream.
Các đối thủ của TikTok như YouTube, Meta – công ty sở hữu Instagram và Facebook đều đã có thử nghiệm với lĩnh vực mua sắm trực tiếp những năm gần đây, nhưng chưa công ty nào gặt hái được thành công đáng kể. Meta cho biết sẽ đóng cửa tính năng này trên Facebook kể từ tháng 10 dù vẫn duy trì thử nghiệm trên Instagram.
Trong khi đó, các nhân viên bộ phận thương mại điện tử của TikTok tại London đã phàn nàn về văn hoá làm việc “độc hại” với các mục tiêu phi thực tế.
Thế Vinh (Theo FT)