Trước đó, tạp chí Forbes đăng bài cáo buộc nền tảng chia sẻ video ngắn phổ biến này đã lên kế hoạch sử dụng ứng dụng của mình để “theo dõi vị trí cá nhân của một số công dân Mỹ cụ thể”.
Theo đó, việc giám sát được thực hiện bởi bộ phận kiểm toán nội bộ và kiểm soát rủi ro của ByteDance, công ty mẹ của TikTok, và báo cáo trực tiếp lên giám đốc điều hành tại Trung Quốc.
Nhiệm vụ của bộ phận này chủ yếu là tiến hành các cuộc điều tra về các hành vi sai trái của nhân viên, nhưng đã từng có kế hoạch thu thập dữ liệu vị trí của một cá nhân quốc tịch Mỹ, người chưa từng làm việc tại công ty.
Trong loạt tweet sau đó, TikTok phản pháo rằng những thông tin trên thiếu “nghiêm túc và tính chính trực của báo chí”, khi Forbes bỏ qua khẳng định của nền tảng này về việc “không thu thập thông tin vị trí GPS chính xác từ người dùng Mỹ, đồng nghĩa với việc TikTok không thể giám sát bất kỳ người dùng nào tại đây theo cáo buộc”.
TikTok nói thêm rằng, ứng dụng này chưa bao giờ được sử dụng để “nhắm mục tiêu” vào bất kỳ thành viên nào thuộc chính phủ Mỹ, các nhà hoạt động, nhân vật nổi tiếng hay các nhà báo.
Vào tháng 7, COE TikTok Shou Zi Chew thừa nhận “các nhân viên ngoài lãnh thổ Mỹ, gồm cả những người đang làm việc tại Trung Quốc, có thể có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng tại Mỹ tuỳ thuộc vào giao thức phê duyệt uỷ quyền mà nhóm bảo mật đưa ra”.
Tuy nhiên, công ty cho biết vào thời điểm đó họ đang thực hiện dự án Texas nhằm “bảo vệ hoàn toàn dữ liệu người dùng và đáp ứng yêu cầu lợi ích an ninh quốc gia MỸ”. Điều này gồm việc lưu trữ tất cả dữ liệu người dùng mặc định tại quốc gia này trên dịch vụ đám mây của Oracle.
Thế Vinh (Theo CNBC)