Một tháng trước, Bộ Thương mại Indonesia cấm giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) trên mạng xã hội nhằm bảo vệ các chợ truyền thống và người bán hàng vi mô, vừa và nhỏ, đồng thời bảo đảm dữ liệu người dùng được an toàn.

hc5k58ru.png
TikTok bị cấm bán hàng qua mạng tại Indonesia. (Ảnh: Reuters)

Với dân số hơn 270 triệu người, Indonesia phát sinh gần 52 tỷ USD giao dịch TMĐT năm 2022, theo dữ liệu từ hãng tư vấn Momentum Works. Do đó, quyết định của Indonesia giáng mạnh vào tham vọng bành trướng TikTok Shop của TikTok – công ty mới đây cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia.

Nguồn tin của Reuters tiết lộ TikTok dự định xin giấy phép TMĐT tại đây sau lệnh cấm. Công ty thuộc ByteDance đang thảo luận với các đối tác nội địa tiềm năng, bao gồm Tokopedia của GoTo, trong khi phát triển ứng dụng TikTok Shop riêng cho Indonesia.

Trước khi TikTok Shop bị dừng hoạt động tại Indonesia, dịch vụ giao khoảng 3 triệu đơn hàng mỗi ngày, theo Reuters.

Ngoài ra, YouTube của tập đoàn Alphabet cũng lên kế hoạch xin giấy phép TMĐT. Tại Mỹ, nền tảng chia sẻ video đã giới thiệu dịch vụ mua sắm dành cho các nhà sáng tạo nội dung để quảng bá sản phẩm, nhãn hàng.

Ông Isa Karim, quan chức phụ trách thương mại trong nước của Bộ Thương mại chia sẻ, trong tháng 10, Meta đã nộp đơn xin cấp phép TMĐT để được quảng bá hàng hóa trên các nền tảng Facebook, WhatsApp và Instagram nhưng không giao dịch trực tiếp. Giấy phép này cho phép người bán hàng quảng cáo hàng hóa và làm khảo sát thị trường, không mua bán trên ứng dụng.

(Theo Reuters)